Cục Thống kê tỉnh Thái Bìnhhttps://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/logo_1-copy1.png
Thứ hai - 09/03/2020 23:44
Là xã xa trung tâm huyện, song Hồng Phong đã biết khai thác thế mạnh của vùng đất ven Sông Hồng đất đai màu mỡ, người dân cần cù tích cực thâm canh, xen vụ nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích đất trồng trọt. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng một nâng cao.
Hồng Phong hiện có trên 450 ha đất nông nghiệp thì có tới 275 ha đất trồng dâu. Trên chân đất này, bà con luôn xen canh các loại cây màu, trung bình từ 3 đến 4 lứa/năm. Ông Trịnh Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã cho biết: bình quân mỗi sào rau xen dâu bà con có thể thu về từ 2 đến 2,5 triệu đồng/lứa. Như vậy, mỗi năm ít nhất bà con có thể thu được khoảng 8 triệu đồng/sào. Từ 275 ha đất xen dâu, nông dân Hồng Phong thu về gần 60 tỷ đồng mỗi năm. Lợi thế của Hồng Phong là đất đai màu mỡ, lại là chân đất pha cát tơi xốp đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong quá trình thâm canh. Địa phương có nguồn nhân lực dồi dào do địa bàn là xã xa trung tâm huyện nên lực lượng làm việc tại các công ty, xí nghiệp ít. Hơn nữa, người dân rất giàu kinh nghiệm trong gieo trồng bởi từ lâu nơi đây đã có truyền thống thâm canh, xen vụ.
Bà Nguyễn Thị Duyên thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong đã quen với tập quán canh tác nơi đây. Nhà có 5 sào đất nông nghiệp thì phần lớn diện tích là trồng dâu. Tận dụng chân đất này, từ nhiều năm nay bà đã trồng rau xen canh, chủ yếu là bắp cải, cuối vụ, rau bán được giá nên bà rất phấn khởi.
Còn tại thôn Tương Đông, gia đình ông Trần Văn Phú đã thu hoạch lứa rau cuối vụ để làm đất trồng lạc, đậu đỗ các loại. Ông Phú cho biết: năm nay rau đắt hơn mọi năm, nhất là mấy tháng trở lại đây, rau đắt gấp 2 đến 3 lần so với đầu vụ nên gia đình cũng có được một khoản kha khá để tích lũy.
Để hỗ trợ bà con trong quá trình sản xuất địa phương đã làm tốt công tác điều hành tưới - tiêu, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Luyên thông Tương Đông cho biết: Hàng năm địa phương thường mở từ 2 đến 3 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tưới tiêu lại rất thuận lợi đã tăng năng suất cây trồng, đến kỳ thu hoạch có nơi bao tiêu sản phẩm, thu mua tận ruộng nên chúng tôi rất yên tâm.
Biết khai thác thế mạnh của mảnh đất thuần nông, từ 275 ha đất nông dân Hồng Phong không chỉ trồng dâu, nuôi tằm phát triển nghề truyền thống mà còn xen canh rau màu nâng cao thu nhập. Gần 60 tỷ đồng mỗi năm chỉ tính riêng rau màu, đây thực sự là hướng đi thoát nghèo của người dân nơi đây./. Chi cục Thống kê huyện Vũ Thư