NUÔI NGAO - THẾ MẠNH KINH TẾ BIỂN CỦA HUYỆN THÁI THỤY
admin
2022-09-08T22:32:09-04:00
2022-09-08T22:32:09-04:00
https://thongkethaibinh.gov.vn/Tin-tuc/nuoi-ngao-the-manh-kinh-te-bien-cua-huyen-thai-thuy-780.html
https://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/news/2022_09/z3707459159495_440048139804cc5a082ee5133bc97606.jpg
Cục Thống kê tỉnh Thái Bình
https://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/logo_1-copy1.png
Thứ năm - 08/09/2022 22:23
Thái Thụy là một huyện ven biển, với tổng chiều dài đường ven biển khoảng 27 km. Diện tích rừng ngập mặn năm 2022 ước đạt 2.535,9 ha. Với điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi. Thái Thụy trở thành một huyện đầy tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi và khai thác Ngao.
Năm 2022 diện tích nuôi trồng và cho thu hoạch thủy sản nước mặn, lợ của toàn huyện ước đạt khoảng 2.430,19 ha, trong đó, nuôi Ngao đạt khoảng 1.110 ha, tập trung tại 3 xã ven biển là Thụy Trường, Thái Thượng và Thái Đô, với hình thức nuôi quảng canh 100%. Huyện Thái Thụy chủ yếu nuôi ngao thương phẩm với tuổi đời từ khi thả giống đến khi cho thu hoạch là từ 2,5 năm đến 3 năm nuôi. Năng suất thu hoạch bình quân mọi năm vào khoảng từ 35 tấn/ha/vụ đến 40 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, năm 2022 theo phản ảnh từ các hộ nuôi Ngao, ngay từ đầu năm thời tiết thuận lợi, độ mặn nước biển ổn định hơn so với cùng kỳ nên năng suất thu hoạch ngao đạt khoảng 40 đến 43 tấn/ha/vụ, với giá bán bình quân 10.000đ/kg sẽ đem lại mức doanh thu khoảng 400 triệu đồng/ha/vụ.
Nuôi ngao là một nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn truyền thống của huyện Thái Thụy, mang lại nguồn lợi lớn và tạo ra thu nhập cao, ổn định cho người dân các xã ven biển. Việc nuôi, chăm sóc và thu hoạch ngao hầu như phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cũng như sự thay đổi của nước biển và khí hậu nên vất vả và gặp nhiều khó khăn. Có những năm thuận lợi, được mùa được giá nhưng cũng có những năm ngao chết trắng bãi gây thiệt lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, Việc ứng dụng máy móc bao gồm máy cào, máy phun, rửa, lọc để thu hoạch ngao đã được bà con thực hiện rộng rãi và phổ biến. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp giải phóng sức lao động chân tay, tăng năng suất, tiết kiệm thời gian và chi phí thu hoạch cho các hộ nuôi.
Những năm qua, ngao luôn là đối tượng được UBND huyện trú trọng và coi là ngành nuôi trồng thủy sản nước mặn mũi nhọn của huyện nhà, cần duy trì và phát triển. Trong tương lai, việc thả nuôi ngao thương phẩm sẽ bị ảnh hưởng nhiều do thay đổi của khí hậu, thời tiết. Trước tình hình đó, hy vọng UBND tỉnh, UBND huyện và các cấp, các ngành liên quan sẽ có những biện pháp hỗ trợ trực tiếp, thiết thực cho các hộ nuôi ngao như giãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, tiếp tục cho vay vốn…… để người nuôi ngao duy trì sản xuất, tăng năng suất và sản lượng. Mục tiêu phát triển ngành nuôi ngao theo hướng bền vững, hiện đại, không những đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh, trong nước mà còn có thể xuất khẩu, đem lại nguồn lợi lớn trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy hải sản cho huyện nhà.
CHI CỤC THỐNG KÊ HUYỆN THÁI THỤY