Trong 5 năm qua, trong điều kiện có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng có nhiều thách thức khó khăn, Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hưng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất của huyện tăng trưởng bình quân 10,92%/năm, vượt 2,57% so với mục tiêu Đại hội XV đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52,4 triệu đồng/người/năm, gấp 1,86 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; đến năm 2020 cơ cấu kinh tế: Nông, thủy sản giảm còn 22,83%; công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng lên 55,48%; dịch vụ thương mại đạt 21,69%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 20.577 tỷ đồng, gấp 1,75 lần giai đoạn 2011-2015. Thu nội địa 5 năm ước đạt 631 tỷ đồng, gấp 1,54 lần mục tiêu đại hội. Kim ngạch xuất khẩu đạt 91,4 triệu USD, vượt mục tiêu đại hội.
Sản xuất nông nghiệp, thủy sản chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo hướng hiệu quả, bền vững; cơ cấu các ngành sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ; chuyển dần sang sản xuất hàng hóa gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mức độ cơ giới hóa được nâng lên. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đẩy mạnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm thương phẩm theo chuỗi liên kết được chú trọng; xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng bốn vụ được mở rộng. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chú trọng thực hiện.
Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2020 ước đạt 3.390 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm đạt 2,02%/năm. Trong đó, trồng trọt 1.749 tỷ đồng, tăng
bình quân 2,05%/năm, chăn nuôi 1.372 tỷ đồng, tăng
bình quân 1,95%/năm, nuôi trồng thuỷ sản 125 tỷ đồng, tăng
bình quân 1,51%/
năm.
Diện tích gieo cấy lúa hàng năm đạt 22.800 ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao hàng năm đạt trên 30% diện tích; năng suất lúa đạt từ 133-134 tạ/ha/năm; sản lượng trung bình 150.908 tấn/năm. Toàn huyện có 31 cánh đồng mẫu, tăng 14 cánh đồng so với năm 2015, với tổng diện tích hơn 1.400 ha; 6 mô hình cánh đồng 4 vụ/năm với diện tích 76,3 ha. Tổng diện tích cây màu, cây vụ đông hàng năm đạt 7.710 ha, trong đó diện tích cây vụ đông đạt 4.777 ha. Toàn huyện có 67 trang trại (tăng 5 trang trại so với năm 2015), 1.256 gia trại, 9 xã có mô hình VietGap. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 877 ha; sản lượng khai thác hàng năm đạt 4.542 tấn/năm.
Trong xây dựng nông thôn mới đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở, tạo bước đột phá lớn, đạt được những kết quả quan trọng, năm 2019 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, vượt mục tiêu đại hội 01 năm. Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển, giải quyết nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động; kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn được tăng cường; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới đạt trên 3.958,6 tỷ đồng. Năm 2017, có 100% xã, thị trấn được cấp nước sạch, năm 2020, có 100% dân cư sử dụng nước sạch (
đạt mục tiêu Đại hội XV).
Cùng với phát triển nông nghiệp, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá: Đã từng bước cơ cấu lại các ngành sản xuất công nghiệp; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp theo chiều sâu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, từng bước xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp đã thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư khá đồng bộ. Năng lực sản xuất công nghiệp được nâng cao; quy mô, giá trị sản xuất và số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất mặt hàng mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Một số nghề, làng nghề tiếp tục được duy trì và phát triển nghề mới, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Do đó, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 8.789 tỷ đồng, tăng bình quân 17,56%/năm, vượt mục tiêu đại hội XV. Trong đó công nghiệp tăng 21,02%, xây dựng cơ bản tăng 12,46%. Có 07/09 cụm công nghiệp quy hoạch chi tiết phân khu (tăng 02 cụm và 130,76 ha so năm 2015), trong đó, đã có 108 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho 21.272 lao động (tăng 28 dự án và 4.101 lao động so với năm 2015), giá trị sản xuất công nghiệp trong cụm năm 2020 ước đạt 3.072 tỷ đồng, tăng bình quân 21,6%. Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm (may xuất khẩu, gia công cơ khí, chế biến lương thực và chế biến gỗ), toàn huyện có 09 làng nghề, giá trị sản xuất từ khu vực hộ gia đình làng nghề chiếm tỷ trọng khoảng 45% giá trị của toàn ngành và thu hút 30.000 lao động nông thôn tham gia.
Huy động nguồn lực xã hội và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, có bước đột phá khá rõ nét, đạt nhiều thành quả quan trọng. Quản lý thu, chi ngân sách được tăng cường; đầu tư công được cơ cấu lại, triệt để tiết kiệm và điều hành ngân sách linh hoạt; tập trung nguồn vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, giảm nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư; đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa lớn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng y tế, giáo dục, nước sạch, hạ tầng nông thôn mới... Công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xây dựng cơ bản được chú trọng, đã triển khai thực hiện quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết cấp huyện; kịp thời điều chỉnh quy hoạch tổng thể thị trấn Đông Hưng và vùng phụ cận, quy hoạch cục bộ thị trấn Tiên Hưng và thị trấn Đông Quan; điều chỉnh quy hoạch của các xã phù hợp tình hình với xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã; các công trình đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình xây dựng được nâng cao; đã hoàn thành xây dựng, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng quan trọng, như: Nâng cấp và cải tạo 18,2 km đường Quốc lộ 39, xây dựng mới tuyến tránh Thị Trấn Đông Hưng (6,6km), đường Thái Hà qua Đông Hưng (1,8km); đường tỉnh 396B (8,5km); cải tạo và nâng cấp 38,7 km tuyến đường huyện và cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các thiết chế văn hóa cơ sở, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, đường giao thông nông thôn...
Thương mại, dịch vụ phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Kết cấu hạ tầng thương mại tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Một số siêu thị, chợ, khu vui chơi giải trí, khách sạn đã hoàn thành đưa vào sử dụng khai thác có hiệu quả. Dịch vụ vận tải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm... phát triển khá mạnh. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm được quan tâm, hỗ trợ tích cực và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm. Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng. Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2020 ước đạt 2.893 tỷ đồng, tăng bình quân 7,69%/năm.
Các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp được khuyến khích, tạo điều kiện có bước phát triển nhanh. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của huyện. Kinh tế tập thể được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển; các hợp tác xã chuyển đổi theo luật, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. 5 năm số doanh nghiệp thành lập mới là 122, tăng 48% về số lượng và tăng 2,03 lần về vốn đăng ký. Toàn huyện hiện có 425 doanh nghiệp, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2015; 44 HTX nông nghiệp, 12 Quỹ tín dụng nhân dân.
Cùng với phát triển kinh tế xã hội, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác tài nguyên được thực hiện chặt chẽ; công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo quy định. Công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật; từ năm 2016 đến hết 31/12/2019, phê duyệt 266 phương án, thu hồi 179,22ha, số tiền chi trả là 285,24 tỷ đồng. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thanh tra, giám sát về môi trường và sử dụng đất của các dự án đầu tư; kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường được thực hiện có hiệu quả. Toàn huyện đã xây dựng 11 lò đốt rác thải để xử lý rác cho 12 xã, 30 xã áp dụng mô hình chôn lấp rác; duy trì 203 tổ thu gom vận chuyển rác; 100% chất thải rắn ở đô thị và 96% chất thải rắn ở nông thôn được thu gom, xử lý. Công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai tích cực, chủ động; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Hệ thống công trình đê điều được củng cố, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, chống bão lũ. Huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư 09 dự án xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng công trình nước sạch nông thôn với số vốn đầu tư trên 667 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho 100% xã, thị trấn.
Giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Mạng lưới trường học được sắp xếp hợp lý, hoàn thành sáp nhập trường tiểu học và trường THCS có quy mô dưới 18 lớp để thành lập trường phổ thông hai cấp học ở 23 xã; sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên với trung tâm dạy nghề thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; phổ cập giáo dục tiểu học cho người lao động đến tuổi 35 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho thanh niên đến tuổi 25. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực theo chuẩn hoá, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh. Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo chuẩn quốc gia, 87/100 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 87%, tăng 12,4% so với năm 2015. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trung học phổ thông hàng năm đạt trên 90%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt 98,53%, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trung bình 5 năm đạt 63,57%. Xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả, 5 năm đã huy động được trên 160 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho giáo dục, phong trào giáo dục của huyện nhiều năm liên tục xếp thứ hạng nhất, nhì khối các huyện, thành phố. Các hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư được đẩy mạnh; tập trung chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Sự nghiệp văn hoá được quan tâm, công tác quản lý Nhà nước về văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông được chú trọng; hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từng bước được đầu tư, nâng cấp. Nhiều di tích lịch sử, giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát huy như chèo làng Khuốc xã Phong Châu, múa rối nước xã Nguyên Xá, Đông Các; lễ hội truyền thống làng Thượng Liệt xã Đông Tân được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, 17 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân … Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng phát triển, có chiều sâu, đến năm 2020, toàn huyện có 92,5% số gia đình; 94% số thôn, tổ dân phố; 100% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; đạt chuẩn văn minh đô thị. Hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, nhiều câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao được hình thành, hoạt động hiệu quả và phù hợp với mọi lứa tuổi; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường; ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng thời kỳ công nghệ 4.0.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và công tác dân số được tăng cường. Hệ thống y tế được sắp xếp, kiện toàn tổ chức, đã sáp nhập Trung tâm y tế với Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình thành Trung tâm y tế huyện, tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị. Công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, các chương trình mục tiêu y tế được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, không để dịch bệnh lớn và ngộ độc thực phẩm đông người xảy ra. Chất lượng khám, chữa bệnh và các dịch vụ y tế được nâng lên. Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tiếp tục được mở rộng. Công tác quản lý nhà nước về y dược được tăng cường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế được quan tâm, trình độ, năng lực cán bộ y tế được nâng lên. Xã hội hóa hoạt động y tế được đẩy mạnh. Công tác dân số được tăng cường, giữ vững mức sinh thay thế. 100% các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2020, đạt 13,5 giường bệnh và 8,3 bác sĩ/vạn dân; 95,4% trạm y tế có bác sĩ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,2%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn dưới 8,4%. Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ giảm đáng kể.
Chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các chính sách an sinh và bảo trợ xã hội được quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ; đồng thời hằng năm bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn xã hội, tổ chức tặng quà, động viên người và gia đình có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện được toàn xã hội quan tâm và thực hiện thiết thực, hiệu quả. Chương trình hỗ trợ người có công, hộ nghèo cải thiện nhà ở; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững được thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 2.594 nhà ở cho người có công với cách mạng, 135 nhà ở cho người nghèo; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2020 còn 2,35%, giảm bình quân hàng năm 0,42%. Công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em được chú trọng. Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực doanh nghiệp được bảo đảm theo quy định của pháp luật; số người tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội tăng qua các năm. Số lao động được giải quyết việc làm hằng năm đều tăng, bình quân khoảng 5.039 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 21,8%. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, đến năm 2020, ước đạt 92% dân số toàn huyện có thẻ bảo hiểm y tế. Đến tháng 01/2020, có 19.897 người tham gia BHXH, tăng 99% so với năm 2015, chiếm 20% số lao động trong độ tuổi; 17.470 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Nhận thức về mục tiêu, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, về vị trí, vai trò của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới được nâng lên. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thể trận an ninh nhân dân tiếp tục được tăng cường; kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội. Các ngành công an, quân sự chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch tác chiến, thường xuyên huấn luyện nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy và khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ; tăng cường phối hợp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giao đủ quân số, bảo đảm an toàn, chất lượng, đúng luật, 5 năm đã giao 1.835 thanh niên lên đường nhập ngũ, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ các cấp. Thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Các ngành nội chính đã chủ động nắm tình hình; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra mất an ninh, trật tự; kiềm chế, làm giảm tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 2020 bố trí 100% công an chính quy về đảm nhiệm chức danh trưởng, phó công an xã, thị trấn. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và thanh tra, kiểm tra có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn thư khiếu nại tố cáo được giải quyết kịp thời và chủ động giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu tố đông người, vượt cấp. Một số vụ việc khiếu kiện kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định tình hình an ninh nông thôn./.
Chi cục Thống kê huyện Đông Hưng