TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH THÁNG 01 NĂM 2023

Thứ tư - 25/01/2023 18:10
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào thu hoạch cây vụ Đông và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo trồng cây vụ Xuân. Chăn nuôi ổn định, sản lượng dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Nông nghiệp
Trồng trọt
Sản xuất vụ Đông 2022-2023
Sản xuất vụ Đông trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định diễn biến thời tiết thuận lợi, các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân đã được triển khai hiệu quả trên cơ sở thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với đó là cơ chế hỗ trợ tích cực của các địa phương đối với từng loại cây cộng với sự nỗ lực của các hộ nông dân là điều kiện tiền đề để vụ đông 2022 - 2023 phát triển. Sơ bộ kết quả gieo trồng cây vụ Đông 2022-2023 đạt 36.829 ha, tăng 0,3% (+124 ha) so với vụ Đông năm trước chủ yếu ở nhóm rau, đậu các loại…Cơ cấu diện tích gieo trồng trong những vụ gần đây đã chuyển dịch theo hướng tích cực.
 Theo tiến độ sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến ngày 12/01/2023 diện tích cây vụ Đông 2022-2023 đã thu hoạch 33.515 ha, đạt 91% diện tích đã trồng. Diện tích cây màu Xuân đã trồng 1.525 ha, đạt 10% kế hoạch đề ra  và  cao hơn 17% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu cây khoai tây, rau màu các loại.
Hiện nay, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang tích cực đôn đốc các hộ nông dân khẩn trương thu hoạch những diện tích cây rau màu đến kỳ cho thu hoạch để chuyển trọng tâm sang gieo trồng vụ Xuân.
Làm đất và chuẩn bị vụ Xuân 2023
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân năm 2022-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác thủy lợi nội đồng và theo dõi chặt chẽ lịch xả nước của các hồ thủy điện, các thông tin liên quan đến nguồn nước; có kế hoạch chủ động huy động tối đa phương tiện, nhân lực phục vụ việc lấy nước, có phương án trữ nước vào hệ thống kênh mương để thau chua, rửa mặn, vệ sinh môi trường và bảo đảm nguồn nước cho các hệ thống thủy lợi vận hành. Căn cứ vào lịch thời vụ của các địa phương, các công ty khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp với các đợt xả nước của hồ thủy điện và triệt để thực hiện tiết kiệm nước.
Vụ Đông Xuân 2022- 2023, theo tiến độ sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến ngày 12/01/2023 diện tích trồng lúa Xuân theo kế hoạch đã được cày lật đất là 100% (kế hoạch vụ Xuân là 75.200 ha); so với mọi năm, vụ Xuân 2023 hầu hết diện tích cày lật đã được phơi ải để hạn chế tối đa nguồn sâu bệnh gối vụ. Với chủ trương toàn tỉnh thực hiện gieo cấy 100% các giống lúa Xuân ngắn ngày để thâm canh dành năng suất cao, ổn định, chủ động trong mọi dạng thời tiết, trong đó chú trọng mở rộng các diện tích giống lúa có chất lượng gạo ngon. Hiện các địa phương trong tỉnh đang tích cực kiểm tra, chỉ đạo nông dân chủ động chuẩn bị giống, vật tư phục vụ sản xuất, thực hiện nghiêm túc thời vụ theo đề án sản xuất vụ Xuân 2023 theo đúng tiến độ và kế hoạch chung của tỉnh, huyện đề ra.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: Trong đầu năm 2023, tình hình chăn nuôi trâu, bò có xu hướng tăng. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng tháng 01/2023 ước đạt 0,9 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 0,07 nghìn tấn, tăng 1,4%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 0,8 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Tình hình chăn nuôi lợn có xu hướng giảm do các hộ dân không tái đàn, số lượng chủ yếu duy trì ở các trang trại và hộ chăn nuôi tập trung. Giá thịt lợn hơi tại thị trường hiện giao động từ 50.000 đến 54.000 đồng/kg tùy từng loại lợn; giá có xu hướng tăng do nhu cầu thực phẩm tăng trong dịp giáp tết. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 01/2023 ước đạt 13,4 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi gia cầm: Sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng có xu hướng tăng do người chăn nuôi tập trung cung ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ dịp tết Nguyên đán Quý Mão. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 01/2023 ước đạt 5,5 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 5,1 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm ước tính đạt 32 triệu quả, tăng1,1% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng trứng gà ước tính đạt 16,6 triệu quả, tăng 2% so với cùng kỳ. 
Lâm nghiệp
Trong tháng đầu năm 2023, ngành lâm nghiệp tỉnh đang xây dựng kế hoạch kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng; các địa phương lên kế hoạch tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng hiện có trên địa bàn.
Trong tháng sản lượng gỗ khai thác  đạt 168 mᶟ giảm 5,6%, sản lượng củi khai thác đạt 579 ste giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Thủy sản
Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi, các hộ nuôi trồng thuỷ sản vùng nước ngọt đang khẩn trương tập trung thu hoạch các loại cá truyền thống (cá trôi, cá trắm, cá chép...); vùng nuôi mặn lợ tiếp tục thu hoạch ngao, cá, cua, tôm. Bên cạnh đó bà con cũng đang tích cực thực hiện vệ sinh, cải tạo ao đầm nuôi để chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới. Các hộ đánh bắt hải sản đã tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi thường xuyên bám biển khai thác. Ước tính sản lượng thuỷ sản tháng 01/2023 đạt 21,1 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Khai thác: Sản lượng khai thác tháng 01/2023 ước đạt 8,6 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 5,3 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 0,1 nghìn tấn, tăng 0,8%; thủy sản khác đạt 3,2 nghìn tấn, tăng1,9% so với cùng kỳ.
Nuôi trồng: Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 01/2023 ước đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 1,3%; trong đó cá đạt 3,2 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 0,07 nghìn tấn, tăng 2,9%; thủy sản khác đạt 9,2 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất giống: Ước tính tháng 01/2023 đạt 114 triệu con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: giống tôm sú, tôm thẻ đạt 2,5 triệu con, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp
Bước sang năm 2023, sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn ổn định, tuy nhiên do chịu ảnh hưởng của Tết Nguyên đán Quý Mão ở vào thời điểm cuối tháng 01, đa số các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp nghỉ Tết trong khoảng thời gian gần 10 ngày. Cá biệt có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ đầu tư là người Trung Quốc có thời gian ngừng hoạt động dài từ ngày 05/01/2023 đến đầu tháng 02/2023 như Công ty TNHH Thép Đặc Biệt Sheng Vn. Bên cạnh đó vẫn có những công ty duy trì hoạt động sản xuất trong suốt thời gian nghỉ Tết Nguyên đán như ngành sản xuất gạch và gốm sứ, ngành sản xuất bia, ngành điện (Công ty CP VLXD Tiền Phong, Công ty cổ Phần Gạch Men Sứ Long Hầu, Công ty Sản Xuất & Kinh Doanh Sứ Hảo Cảnh, Công ty cổ phần tập đoàn Hương Sen, Cơ sở: Công ty cổ Phần Bia Hà Nội Thái Bình, Công ty Điện Lực Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2…).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 giảm 17,2% so với tháng 12/2022; trong đó: Ngành Khai khoáng giảm 76,6%, Công nghiệp chế biến chế tạo giảm 24,9%, Sản xuất và phân phối điện tăng 28,9%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,9%. So với  cùng kỳ năm 2022 IIP giảm 1,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Tháng 01/2023 một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao so với tháng trước như: Sản phẩm Điện sản xuất (+33,1%); Thức ăn dành cho gia súc (+2%); Thức ăn dành cho gia cầm (+3,4%)... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm như Bia hơi đạt 82,8% ; Bia dạng lon đạt 48,1% ; Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác đạt 20,2% ; Thép cán đạt 21,1%...
Trong 01 tháng năm 2023, một số ngành có chỉ số sản xuất sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ năm 2022: Tàu đánh bắt thuỷ hải sản, các loại tàu chuyên dụng (+30,7%), Điện sản xuất, thức ăn cho gia súc, sản phẩm sứ vệ sinh (+61,2%); Sản phẩm Nitơrat Amoni, tai nghe khác ... Bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm có tốc độ giảm nhiều như: thép cán; Loa đã hoặc chưa lắp vào hộp loa; polyaxetal, polyeste …
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tháng 01/2023 giảm 27,3% so với tháng 12/2022; Tuy có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: sản xuất đồ uống tăng 2,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 0,1%... nhưng nguyên nhân chủ yếu do sản xuất chế biến thực phẩm giảm 57%; dệt giảm 8,7%; sản xuất trang phục giảm 19,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 18,7%, chế biến sản phẩm từ gỗ, tre nứa giảm 56,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 45,1%; in sao chép bản ghi giảm 12,5%; sản xuất hóa chất giảm 33,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 31,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 32,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 21,4%; sản xuất kim loại giảm 81,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 49,3%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 18,1%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 21,7%...
Chỉ số tồn kho tháng 01/2023 tăng 7,4% so với tháng 12/2022; tăng nhiều ở một số ngành sau: chế biến thực phẩm tăng 145,6%; sản xuất đồ uống tăng 9,1%; chế biến sản phẩm từ gỗ, tre nứa tăng 9,5%; sản xuất hóa chất tăng 19,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 8%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,5%; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 28,1%... Ngoài ra một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 7,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 5,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,8%...
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2023 tăng 0,5% so với tháng 12/2022 và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. Chia theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp Nhà nước tăng 18,8% so với tháng 01/2022; Doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 1,4%; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,7% so với tháng 01/2022.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 01/2023 ước đạt 472 tỷ đồng, đạt 39,6% so với tháng trước và tăng 43,4% so cùng kỳ năm trước. Vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 190,5 tỷ đồng, đạt 43,5% so với tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ; vốn ngân sách  cấp huyện ước đạt 191,2 tỷ đồng, đạt 40% so với tháng trước và tăng 88,3 % so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp xã ước đạt 90,5 tỷ đồng, đạt 32,9% so với tháng trước và tăng 60% so cùng kỳ.
Một số dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách, dự kiến trong tháng 01/2023:
Dự án xây dựng Đường Minh Tân đến Đền Trần huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 125 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 thực hiện 6 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường T33 đoạn từ xã Thái Hưng đi xã Thái Phương huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 35 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường nối từ QL39 đi đền thờ Phạm Đôn Lễ huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 48 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 7 tỷ đồng;
Dự án cải tạo kè Lão khê huyện Hưng Hà, vốn đầu tư gần 21 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 4 tỷ đồng;
Dự án cải tạo kè Nhâm Lang đoạn Từ Nhâm Lang đến xã Điệp Nông huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 90 tỷ đồng, dự kiến đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng Cầu Hà Lý huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 13 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 6 tỷ đồng;
Dự án xây dựng Cầu Nhân Phú huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt gần 7 tỷ đồng;
Dự án đường ĐH.53 từ QL10 đến cầu Lan xã Đông Vinh huyện Đông Hưng, vốn đầu tư 71 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 8 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp, cải tạo đường liên huyện nối từ DDH đến đường tỉnh ĐT.396B huyện Đông Hưng, vốn đầu tư hơn 33 tỷ đồng, dự kiến đạt 5 tỷ đồng…
Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 131 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt gần 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý Giai đoạn II huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 12 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn từ đê biển Sông Hồng đến UBND xã Nam Hải, vốn đầu tư hơn 55 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 3 tỷ đồng;
Dự án tôn tạo di tích khu lưu niệm Hồ Chí Minh xã Nam Cường huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 69 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt gần 2 tỷ đồng;
Dự án cải tạo nâng cấp đường số 4 kéo dài đến xã Tây Phong huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 118 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt gần 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng Đường Hùng Vương Thị trấn Tiền Hải, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt gần 9 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp cải tạo đường 464 (đường 221D), đoạn từ xã Đông Xuyên đến đường ven biển xã Đông Minh huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 89 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 2 tỷ đồng;
Dự án đường cứu hộ cứu nạn từ đê biển sông Hồng đến UBND xã Nam Hải huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 70 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt gần 7 tỷ đồng ….
Tình hình đăng ký kinh doanh
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tính đến 18/01/2023 đã cấp 60 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 292 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 150 doanh nghiệp; giải thể doanh nghiệp là 35 Doanh nghiệp.       
Trong tháng 01/2023 trên địa bàn tỉnh không phát sinh dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tháng 01/2023 tương đối ổn định, hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu bia,… tăng từ 5-15% so với năm trước, bên cạnh đó những tháng cuối năm thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng do đơn hàng giảm, nên sức mua tăng không cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 ước đạt 6.118 tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 5.396 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước và tăng 26,2% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho dịp tết do nhu cầu tiêu dùng tăng và giá cả tăng so với năm trước. Có 10/12 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Lương thực, thực phẩm đạt 1.764 tỷ đồng, tăng 18,3%; xăng dầu các loại đạt 952 tỷ đồng, tăng 37,7%; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 731 tỷ đồng, tăng 18,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 592 tỷ đồng, tăng 11,4%; hàng hóa khác đạt 381 tỷ đồng, tăng 29,1%;…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 01 năm 2023 ước đạt 416 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 41,6% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 13 tỷ đồng, giảm 1,8% và tăng 30,5%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 5% và tăng 41,2%; doanh thu dịch vụ lữ hành giảm 25% và tăng 8 lần.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 306 tỷ đồng, giảm 0,4% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ, trong đó: Bất động sản giảm 6% và giảm 5,7% do ảnh hưởng từ chính sách giải ngân cho vay, thị trường bất động sả cầm chừng; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 1,6% và tăng 23,4% do dịch vụ cho thuê phông bạt phục vụ đám cưới, mừng thọ tăng; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 34,7% và tăng 22,4% do việc dạy thêm học thêm bị hạn chế; dịch vụ y tế giảm 0,1% và tăng 18,1%; dịch vụ nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 5,7% và tăng 95% do các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí được tổ chức bình thường; dịch vụ sửa chữa giảm 3,7% và tăng 7,4%; hoạt động phục vụ cá nhân khác tăng 6% và tăng 3,8%.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 0,32% so với tháng trước; tăng 5,59% so với cùng tháng năm trước. Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá trong tháng: Nhóm giao thông tăng 1,18% do tác động của giá xăng dầu tăng 2 lần vào các ngày: ngày 01/01/2023 và ngày 04/01/2023 (xăng 95 tăng 1490 đồng/lít; xăng E5 tăng 1410 đồng/lít; dầu diezen tăng 550 đồng/ lít; dầu hỏa tăng 930 đồng/lít), ngày 12/01/2023 giá dầu diezen và dầu hỏa giảm (dầu diezen giảm 520 đồng/ lít; dầu hỏa giảm 960 đồng/lít). Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,06% do giá thuốc lá, rượu, bia các loại tăng. Giá lương thực tăng 1,26% tác động trực tiếp từ giá gạo tăng. Nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng dần trong dịp tết, một số sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tết như đường, bánh kẹo mẫu tết, cây cảnh, hoa tết các loại giá bán cũng tăng.
CPI bình quân cùng kỳ tăng 5,59% so với cùng kỳ năm. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá: chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 33,76%; chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,70%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 7,31%; chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 2,63%; chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,79%; chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,69%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,18%; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,50%; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,12%. Còn lại nhóm bưu chính viễn thông ổn định; nhóm giao thông giảm 1,11% do điều chỉnh giá xăng dầu.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 289 triệu USD, giảm 19,7% so với tháng trước và giảm 28,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nguyên vật liệu tăng cao, đơn giá hàng may mặc, giày da giảm nên doanh nghiệp chỉ hoạt động càm chừng để duy trì sản xuất. Một số doanh nghiệp trong tháng 01/2023 vẫn thực hiện nghỉ thứ bảy, chủ nhật, nghỉ luân phiên theo truyền.
Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2023 ước đạt 123 triệu USD, giảm 28,8% so với tháng trước và giảm 38,5% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 72 triệu USD, giảm 27,7% so với tháng trước và giảm 39,9% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 51 triệu USD, giảm 30,3% so với tháng trước và giảm 36,3% so với cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ như: Hàng dệt may đạt 75,5 triệu USD, giảm 21,8% và giảm 31,5%; hàng hóa khác đạt 17,7 triệu USD, giảm 38,5% và giảm 47,3%; xơ, sợi dệt các loại đạt 7,3 triệu USD, giảm 23,9% và giảm 55,9%; sản phẩm gốm, sứ đạt 1,4 triệu USD, giảm 21,8% và giảm 30,8%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,4 triệu USD, giảm 48,9% và giảm 12,4%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,2 triệu USD, giảm 30,2% và giảm 18,5%;...
Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2023 ước đạt 167 triệu USD, giảm 11,5% so với tháng trước và giảm 18,6% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 125 triệu USD, giảm 12,1% so với tháng trước và giảm 11,6% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 42 triệu USD, giảm 9,5% so với tháng trước và giảm 34,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm so với tháng trước như: Bông các loại giảm 50%; sắt thép các loại giảm 45,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 39%; hóa chất giảm 22,4%; hàng hóa khác giảm 18,5%; xăng dầu các loại giảm 17,8%;… Bên cạnh đó một số mặt hàng tăng: Hàng thủy sản tăng 23,8%; phế liệu sắt thép tăng 8%; vải các loại tăng 6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 1,6%.
Hoạt động vận tải
Kỳ nghỉ lễ tết Nguyên đán vào tháng 01/2023 nên nhu cầu đi lại của người dân tăng. Sau 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đây là dịp để người dân làm ăn xa về quê ăn tết nên hoạt động vận tải hành khách có xu hướng tăng nhất là vận tải hành khách liên tỉnh.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 01/2023 ước đạt 183 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2,5 triệu người, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 26,7% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 280 triệu người.km, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 28,4% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 428 tỷ đồng, giảm 8,9% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ, do nguồn hàng dữ trữ phục vụ tết được vận chuyển từ tháng trước, nhiều đơn vị vận chuyển hàng hóa đường dài đã dừng vận chuyển nghỉ tết từ 14/01. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 243 tỷ đồng, giảm 9,4% và giảm 10,8%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 159 tỷ đồng, giảm 7,7% và giảm 11,9%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 26 tỷ đồng, giảm 11,8% và tăng 2,6%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,6 triệu tấn, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 12,3% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 954 triệu tấn.km, giảm 8,1% so với tháng trước và giảm 13,5% so với cùng kỳ.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01/2023 ước đạt 5,9 tỷ đồng, giảm 12,9% so với tháng trước và tăng 4,1 so với cùng kỳ. Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 01/2023 ước đạt 0,5 tỷ đồng, giảm 27% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Thu, chi Ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính tháng 01/2023 đạt 1.521 tỷ đồng, đạt 7,2% so với dự toán, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 699 tỷ đồng, giảm 17,5%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 200 tỷ đồng, giảm 47,8%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 620 tỷ đồng, giảm 19,5%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 01/2023 ước đạt 1.015 tỷ đồng, tăng 86,9% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 404 tỷ đồng, tăng 135,7%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 609 tỷ đồng, tăng 64,3% so với cùng kỳ năm trước.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
Năm 2022, công tác lao động, việc làm và an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 34.500 lao động, đào tạo nghề cho 36.100 lao động, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định. Tỉnh thực hiện hỗ trợ đối với 220.961 người lao động và người dân của 3.294 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 93 tỷ động; hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động của 2.628 đơn vị với số tiền trên 87,2 tỷ đổng, hỗ trợ bằng tiền mặt cho 186.462 người lao động với số tiền trên 442 tỷ đổng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 1.283 người lao động của 79 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 1,8 tỷ đổng. Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Trợ cấp xã hội
Nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, huyện Vũ Thư và một số doanh nghiệp đã tới thăm và trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Duy Nhất (Vũ Thư).
Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc các cấp đang tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê tổ chức các hoạt động chăm lo tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn tỉnh. Hàng trăm nghìn suất quà được trao đến tận tay các đối tượng góp phần lan tỏa tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, là nguồn động viên to lớn giúp họ đón tết vui tươi, đầm ấm.
Chiều ngày 17/01, Làng trẻ em SOS Thái Bình tổ chức chương trình “Xuân gắn kết, tết yêu thương”. Làng trẻ em SOS Thái Bình là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các đồng chí lãnh đạo và đại diện các doanh nghiệp đã trao những phần quà cùng những lời động viên, chia sẻ với tập thể cán bộ, nhân viên, các bà mẹ, bà dì và các con đang được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Thái Bình. Đó là những món quà vô cùng ý nghĩa với mong muốn mang đến cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn một mùa xuân ấm áp và trọn vẹn.
Công tác đối với người có công
Công tác giải quyết, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng được thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm thời gian quy định. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; các chính sách trợ giúp xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm phúc lợi cho người dân.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch
Tình hình dịch bệnh Covid: Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, năm 2022 ghi nhận 268.821 ca (cộng đồng 140.825 ca, cách ly-phong tỏa 127.996 ca), 96.671 theo dõi khác tại cộng đồng. Hoàn thành điều trị/cách ly 271.396 chuyển viện Trung Ương 30, tử vong 70. Từ ngày 01/01/2023 đến 16/01/2023 số trường hợp mắc mới không có. Công tác tiêm chủng vắc xin Covid- 19, tính đến 17h00 ngày 16/01/2023, Thái Bình đã thực hiện 4.338.492 mũi tiêm.
Tình hình HIV/AIDS
Công tác quản lý, giám sát, phòng chống HIV/AIDS được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 2.263 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 242/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 765 phụ nữ nhiễm (33,8%), 30 trẻ em nhiễm (1,32%), phát hiện mới 43 người nhiễm HIV và 12 trường hợp phơi nhiễm với HIV.
 Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh về phòng, chống dịch và bảo đảm ATTP để người dân đón tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch và bảo đảm ATTP. Các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu chủ động xây dựng, thực hiện các biện pháp, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch và ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị có kế hoạch triển khai cụ thể về phòng, chống dịch và ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cơ sở y tế sẵn sàng ở mức cao nhất, chủ động cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, vật tư y tế, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, cấp cứu ngộ độc đông người. Ngành giáo dục, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, các địa phương có biện pháp chủ động nhằm ngăn ngừa sự bùng phát của dịch khi người lao động đi làm trở lại, học sinh khi quay lại trường học.   
Hoạt động giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã diễn ra Hội nghị Giao ban công tác học sinh, sinh viên; triển khai nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn trường học và một số nhiệm vụ trong dịp Tết, Xuân Quý Mão 2023. Triển khai Kế hoạch Thực hiện Quyết định đố 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Thái Bình với mục đích tăng cường, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ  có ước mơ, hoài bão, lí tưởng,…. đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của quê hương, đất nước. Tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị nhận được sự phối hợp từ các Sở, ban, ngành có liên quan nhằm hỗ trợ một cách tối đa cho việc tổ chức tư vấn tâm lý cho các em học sinh, giúp các em tự tin hơn trong học tập và rèn luyện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều, của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi, để ban hành và áp dụng ngay trong năm 2023.
Văn hoá - Thể thao
Theo Báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Thái Bình, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2023), mừng Xuân Quý Mão. Tham mưu tổ chức thành công Đại nhạc hội Chào Xuân 2023 phục vụ nhân dân trong tỉnh. Chương trình Đại nhạc hội Chào xuân 2023 với sự tham gia của các ngôi sao ca nhạc hàng đầu trong nước. Chương trình do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ được đông đảo khán giả mến mộ, yêu thích và các nghệ sĩ là người con quê hương Thái Bình. Đây là chương trình nghệ thuật lớn nhất từ trước đến nay được diễn ra tại Thái Bình, là món quà dành tặng tới mỗi người dân trong tỉnh nhân dịp đầu xuân, đặc biệt là sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi người dân đã cùng đồng lòng, chung sức cùng các cấp chính quyền vượt qua khó khăn, thử thách, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển văn hóa Việt tổ chức khai mạc phố ông đồ và góc chợ quê. Không gian phố ông đồ và góc chợ quê góp phần giới thiệu nghệ thuật thư pháp cũng như tái hiện khung cảnh một góc chợ quê xưa - những nét văn hóa đẹp trong truyền thống của người Việt. Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Thái Bình. Nhà hát Chèo Thái Bình xây dựng kịch bản và tổ chức Chương trình nghệ thuật đêm giao thừa chào Xuân Quý Mão với chủ đề: "Khúc hát Xuân" tại Quảng trường 14/10, thành phố Thái Bình.
Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trưng bày báo xuân Quý Mão 2023 tại Thư viện tỉnh. Trưng bày báo xuân là hoạt động chính trị, văn hóa truyền thống của báo chí Thái Bình và các cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ nhân dân và bạn đọc nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố Thái Bình phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố khai mạc giải bóng đá cấp tiểu học năm 2023. Giải nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; thường xuyên tập luyện, thi đấu các môn thể thao nói chung và bóng đá nói riêng trong học sinh cấp tiểu học, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Ban hành triển khai thực hiện các Kế hoạch về tổ chức tổng kết Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh Thái Bình lần thứ IX; phát động Phong trào thi đua trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh năm 2023; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2023; thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023; thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023...
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thái Bình, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 03 người chết và 07 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo Báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/01/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây