Lúa nếp Bể làng Keo, xã Duy Nhất - Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả

Thứ sáu - 11/02/2022 17:06
        Xã Duy Nhất là xã thuần nông của huyện Vũ Thư, toàn xã có 3 Hợp tác xã nông nghiệp: Hành Dũng Nghĩa, Vũ Hợp, Đức Long; với diện tích trồng lúa là 416 ha; cơ cấu giống lúa chủ lực là Bắc Thơm 7… Đặc biệt, tại xã giống lúa nếp bể (nếp keo) - là giống lúa cổ truyền của địa phương. Để phát huy được hiệu quả của giống lúa cổ truyền, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện về việc thực hiện mô hình sản xuất lúa đặc sản nếp Bể làng Keo, mục tiêu nhằm phát triển sản xuất lúa nếp Bể làng Keo theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích canh tác cho người sản xuất lúa; gia tăng giá trị phục vụ thị trường trong nước hướng tới xuất khẩu.

       Tại xã Duy Nhất, việc tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân; các bước thành lập HTX sản xuất kinh doanh lúa gạo; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, nhất là trong phòng trừ sâu bệnh, sấy sản phẩm;....cũng đã được địa phương đặc biệt quan tâm. Vì vậy vụ mùa 2021, toàn xã đã có diện tích gieo trồng đạt 164 ha.
         Với những kinh nghiệm gieo trồng của các hộ thành viên trong HTX đã có từ lâu, quen xứ đồng với từng chân đất, loại đất. Đặc biệt đối với giống lúa nếp đặc sản của địa phương, đây là một giống lúa đã được các hộ thành viên gieo trồng qua rất nhiều năm, kinh nghiệm chăm sóc và đặc tính sinh trưởng của lúa qua các thời kỳ đã được đúc rút thành những bài học quý báu do đó vụ mùa vừa qua năng suất lúa đã đạt từ 180 kg đến 220 kg/sào và là giống lúa được đánh giá có giá trị kinh tế trên thị trường.

       Anh Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX kinh doanh nông sản làng Keo cho biết: năm nay là năm đầu tiên HTX đi vào hoạt động nên thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo nếp Bể làng Keo chưa được mở rộng. Song các thành viên trong HTX tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, đơn vị đã được ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo; riêng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua HTX đã tiêu thụ được với tổng sản lượng đạt trên 6 tấn, giá bán 25.000 đồng/kg, mức giá được xem là cao hơn so với bình quân chung thị trường. Sản phẩm gạo nếp Bể đến tay người tiêu dùng được kiểm định chất lượng, được đóng gói, trên bao bì in tem nhãn và mã QR truy xuất nguồn gốc. Bước đầu tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc phát triển dịch vụ liên kết và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo.
        Đây là kết quả của việc thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo nếp làng Keo cùng với sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện của xã, của huyện, lúa gạo nếp Bể làng Keo sẽ trở thành sản phẩm đặc sản gia tăng giá trị phục vụ thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho nông dân, trở thành sản phẩm OCOP./.
                                             CHI CỤC THỐNG KÊ HUYỆN VŨ THƯ

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây