Với lợi thế có đường bờ biển dài trên 54 km cùng với nhiều hệ thống cửa sông đổ ra biển đã tạo cho Thái Bình có vùng bãi triều tương đối bằng phẳng, dòng chảy mang nhiều nguồn phù sa nên rất phù hợp cho việc nuôi ngao vùng bãi triều.
Nuôi ngao vùng bãi triều đang là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Thái Bình. Trong những năm trở lại đây, diện tích nuôi ngao, sản lượng và giá trị ngao nuôi tăng đáng kể. Năm 2010 sản lượng nuôi ngao là 34 nghìn tấn nhưng đến năm 2018 sản lượng đã đạt 101 nghìn tấn (tăng gần gấp 3 lần). Sản lượng nuôi ngao của tỉnh Thái Bình đứng đầu cả nước và chiếm tới 44% sản lượng ngao của toàn quốc. Nuôi ngao đã và đang thu hút hàng nghìn lao động và làm cho đời sống người dân ngày càng sung túc hơn, đóng góp không nhỏ vào sự ổn định, phát triển kinh tế cho người dân vùng ven biển.
Những năm trước đây giá ngao có lúc lên đến 30.000 đ/kg làm cho rất nhiều hộ dân ồ ạt nuôi ngao, lấn chiếm đất trái phép dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch của Tỉnh, gây ô nhiễm môi trường việc quản lý đất đai gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó giá ngao liên tục sụt giảm, thị trường Trung Quốc giảm thu mua, làm cho giá trị con ngao giảm nhiều, hoạt động nuôi không thật ổn định.
Hiện nay nuôi ngao của người dân vùng ven biển đã đi vào ổn định, giá ngao dao động từ 10.000 – 13.000 đồng/kg.Theo ông Nguyễn Tiến Vường, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy cho biết: ông nuôi ngao từ năm 2006 với tổng diện tích bãi triều là 4 ha. Ông cho biết năm nay con ngao phát triển nhanh, béo, mẩy…chỉ sau 2 năm ông đã được thu hoạch với năng suất đạt là 60 tấn/ha. Sau khi trừ tổng chi phí (con giống, chòi canh ngao, vây lưới, nhân công…) thì mỗi năm ông lãi trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra trên địa bàn huyện Tiền Hải có 2 công ty TNHH Nghêu Thái Bình và công ty TNHH Xuất nhập khẩu nghêu Việt Nam hàng năm tiêu thụ hàng ngàn tấn ngao, đã góp phần giải quyết đầu ra cho người dân nuôi trồng ngao nơi đây.
Nuôi ngao giống đang là xu hướng phát triển mạnh của huyện Tiền Hải. Diện tích nuôi ngao giống năm nay đạt 792 ha, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Xã Nam Thịnh là một trong những xã của huyện Tiền Hải có diện tích ngao giống lớn nhất đạt 672 ha. Người dân nơi đây cho biết nuôi ngao giống cho hiệu quả kinh tế cao, thời gian nuôi ngắn, chi phí thấp sau khoảng 12-15 tháng đã được thu hoạch và giá cao hơn so với nuôi ngao thịt. Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ ngao giống lại rộng chủ yếu là người dân trong tỉnh.
Ngày 29/9/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2547/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển sản xuất ngao giống tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 08 cơ sở sản xuất, sản xuất 30 tỷ con với diện tích ương trong đầm 311ha. Diện tích ương bãi triều đạt 660 ha. Diện tích nuôi thương phẩm 3.440 ha. Đến năm 2025 mục tiêu có 09 cơ sở sản xuất, 02 cơ sở ương dưỡng, sản xuất 57 tỷ con, ương dưỡng 11 tỷ con. Diện tích ương trong đầm 361 ha, diện tích ương bãi triều 740 ha, diện tích nuôi thương phẩm đạt 3.360 ha. Dự kiển tổng vốn đầu tư thực hiện Đề án là 203tỷ đồng.
Tuy nhiên cũng còn một số tồn tại, khó khăn cho người dân nuôi ngao vùng bãi triều một số xã như Nam Thịnh, Thụy Trường, Nam Phú có các bãi, cồn giáp với các cửa sông: hàng năm hàm lượng phù sa bồi đắp nhiều dẫn đến bãi cao không thể nuôi ngao được, do đó người dân cần có kinh phí để cải tạo các bãi. Chính vì vậy tỉnh cần có những chính sách phù hợp khuyến khích hỗ trợ bà con nơi đây để Thái Bình luôn là vựa ngao lớn của cả nước./.
Phòng Thống kê Nông nghiệp