Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2016 (giá so sánh 2010) ước đạt trên 17.009 tỷ đồng, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2015.
Nông nghiệp
9 tháng năm 2016, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt trên 14.096 tỷ đồng, tăng 1,53% so với cùng kỳ năm 2015.
Trồng trọt
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa đạt 96.854 ha, giảm 412 ha (-0,42%) so với vụ mùa năm trước, trong đó: diện tích lúa mùa đạt 80.370 ha, giảm 537 ha (-0,66%); diện tích cây màu vụ mùa đạt 16.484 ha, tăng 125 ha (+0,76%). Diện tích cây hàng năm vụ mùa năm nay giảm so với vụ mùa năm trước do chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các công trình giao thông, công nghiệp và mục đích khác.
Cây lương thực
Lúa mùa: Vụ mùa năm nay, Thái Bình bước vào gieo cấy trong điều kiện tương đối thuận lợi, cuối tháng 7/2016 toàn tỉnh cơ bản đã gieo cấy xong lúa mùa, đảm bảo đúng với lịch thời vụ đề ra. Tổng diện tích lúa mùa toàn tỉnh đã gieo cấy đạt 80.370 ha (diện tích gieo thẳng 15.457 ha, bằng 19,2% tổng diện tích), đạt 100% kế hoạch gieo cấy và giảm 537 ha (-0,66%) so với vụ mùa năm trước.
Cơ cấu giống lúa vụ mùa 2016 nhìn chung không thay đổi nhiều: diện tích các giống lúa ngắn ngày đạt 78.343 ha (chủ yếu là BC15), chiếm 97,5% tổng diện tích lúa, tăng cơ cấu 0,6%. Các giống có chất lượng gạo ngon (tám thơm, nếp các loại, bắc thơm, hương thơm...) đạt 18.112 ha, chiếm 22,5% tổng diện tích lúa, tăng 1,2% so với năm trước; tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch 25 - 35% diện tích lúa chất lượng cao.
Cơn bão số 1 ảnh hưởng đến Thái Bình đã làm hàng nghìn ha lúa bị ngập úng cục bộ, tuy nhiên công tác thủy lợi tiêu thoát úng được kịp thời nên diện tích lúa bị ảnh hưởng không đáng kể. Sau bão UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các địa phương tiến hành gieo cấy lại, tỉa dặm những diện tích bị thiệt hại, đến trung tuần tháng 8/2016 toàn bộ diện tích lúa mùa đã được chăm sóc đợt 1 và đợt 2 nên cây lúa bước vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt. Do vậy ảnh hưởng của cơn bão đối với nông nghiệp không đáng kể, chỉ một số vùng cây lâu năm như chuối, nhãn... bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo tiến độ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15/9/2016, diện tích lúa mùa đã trỗ trên 56.100 ha, chiến 69,8% tổng diện tích. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục phun phòng trừ sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ phòng trừ cho trà lúa trỗ sau. Qua thăm đồng, tham khảo ý kiến của các hợp tác xã nông nghiệp, các nhà nông, Ngành Thống kê dự kiến ước sơ bộ năng suất lúa mùa năm 2016 đạt xấp xỉ 60 tạ/ha (năm 2015 là 60,38 tạ/ha), tuy nhiên còn phụ thuộc vào việc thăm đồng chính thức vào đầu tháng 10; sản lượng lúa đạt trên 479 nghìn tấn, giảm 9 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2015.
Diện tích ngô vụ mùa đạt 2.608 ha, tăng 12,08% (+281 ha) so với cùng kỳ năm trước, năng suất đạt 55,16 tạ/ha, sản lượng đạt 14.387 tấn (+12,14%).
Cây trồng hàng năm khác
Diện tích cây chất bột đạt 475 ha, tăng 10,7% so với năm trước, trong đó chủ yếu là diện tích khoai lang với diện tích đạt 289 ha với năng suất ước đạt 118,2 tạ/ha.
Diện tích cây có hạt chứa dầu đạt 1.530 ha, giảm 23,3% so với năm trước.
Diện tích rau, đậu, hoa cây cảnh đạt 11.409 ha, tăng 1,58% so với năm trước. Riêng rau các loại diện tích đạt 8.961 ha, tăng 419 ha, năng suất đạt 279,1 tạ/ha.
Giá trị sản xuất trồng trọt 9 tháng đầu năm 2016 (theo giá so sánh 2010) ước đạt trên 7.062 tỷ đồng giảm 0,25% so với cùng kỳ năm 2015.
Chăn nuôi:
Kết quả điều tra đàn lợn, gia cầm thời điểm 01/07/2016
Tổng đàn lợn thời điểm 01/7/2016 hiện có đạt gần 1.026 ngàn con, tăng 18,5 ngàn con (+1,8%) so với cùng kỳ năm trước.
Đàn gia cầm đạt 11.770 ngàn con, tăng 432 ngàn con (+3,8%), trong đó: số gà đạt 8.864 ngàn con, tăng 303 ngàn con (+3,5%); vịt, ngan, ngỗng đạt 2.906 ngàn con, tăng 129 ngàn con (+4,6%).
Tình hình chăn nuôi trong tháng
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đến ngày 15/9/2016 như sau: Trong tháng chưa thấy xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc, dịch tai xanh trên đàn lợn. Xuất hiện 01 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Dân Chủ huyện Hưng Hà làm 2.460 con gia cầm phải tiêu hủy.
Các bệnh thông thường khác trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương trong tỉnh nhưng ở quy mô nhỏ, lẻ, cụ thể:
- Tổng số trâu bò bị mắc bệnh 162 con (tăng 10,9% so với tháng trước), số bị chết, xử lý 01 con.
- Tổng số lợn bị mắc bệnh 3.313 con, giảm 111 con (-3,2%) so với tháng trước; số lợn bị chết, xử lý 409 con.
- Số gia cầm bị mắc bệnh 17.559 con, tăng 2.800 con (+19,4%) so với tháng trước; số con bị chết, xử lý 2.933 con.
Những tháng cuối năm giá cả thức ăn chăn nuôi và giá thịt hơi nhìn chung ổn định tạo điều kiện cho người chăn nuôi đầu tư tái đàn và tăng sản phẩm thịt hơi sản xuất phục vụ cho thị trường tiêu dùng.
Ước tính 9 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất chăn nuôi (giá so sánh 2010) đạt trên 6.318 tỷ đồng, tăng 3,69% so với 9 tháng năm 2015. Dự kiến 3 tháng cuối năm nếu dự án chăn nuôi bò của Hòa Phát đi vào hoạt động thì có sự tăng trưởng vào năm 2017.
Lâm nghiệp:
Dự kiến diện tích trồng 348,8 ha rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thái Bình ở 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải sẽ hoàn thành trong tháng 9 và tháng 10/2016. Phong trào trồng cây trong nhân dân vẫn được duy trì thực hiện mặc dù đất đai hạn chế song việc trồng cây lấy gỗ, lấy bóng mạt đạt kết quả tốt.
Ước tính giá trị sản xuất lâm nghiệp 9 tháng đầu năm 2016 (theo giá so sánh 2010) đạt gần 14 tỷ đồng tăng 14,83% so với cùng kỳ năm 2015.
Thuỷ sản:
Năm 2016 dự kiến sản xuất ngành thủy sản Thái Bình phát triển ở mức khá so với năm trước, trong đó nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng khá đã góp phần ổn định mức tăng trưởng sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 14.662 ha, giảm 2,6% (-385 ha) so với năm trước, trong đó: diện tích nuôi ngao thịt đạt 2.997 ha, giảm 296 ha; cá nước lợ đạt 434 ha; nuôi tôm các loại đạt 2.918 ha, tăng 68 ha; nuôi cá nước ngọt đạt 8.257 ha, giảm 31 ha so với năm trước.
Tổng số vốn khuyến ngư năm 2016 cho các địa phương trên 1,8 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác xây dựng các mô hình trong nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành thủy sản theo kế hoạch đã đề ra, đã triển khai kế hoạch cụ thể về vốn đầu tư khuyến ngư năm 2016 phân bổ cho các ngành chức năng và địa phương để tổ chức thực hiện.
Giá trị sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2016 (giá so sánh 2010) ước đạt trên 2.899 tỷ đồng tăng 7,14% so với cùng kỳ năm 2015. Trong cơn bão số 1 thủy sản bị thiệt hại về lồng bè nuôi cá, ước tính khoảng 450 tấn, tương đương 3,6 tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh Thái Bình tháng 9/2016 tăng 2,98% so với tháng trước và tăng 10,75% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 2,88% so với tháng trước và tăng 4,37% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,06% so với tháng trước và tăng 9,04% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 28,24% so với cùng kỳ; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 1,73% so với tháng trước và tăng 10,70% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,11%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ như: ngành khai thác khí tự nhiên tăng trên 4 lần; sản xuất chế biến thực phẩm (+24,95%); sản xuất hoá chất (+46,31%); sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại khác (+35,37%); sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 2,9 lần; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước (+27,49%); ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước (+25,18%); ... Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm như: sản xuất đồ uống (-0,4%); ngành dệt (+1,48%); sản xuất trang phục (-7,14%); sản xuất kim loại (-5,53%); sản xuất xe có động cơ (-5,57%)...
Trong 9 tháng đầu năm 2016, dự kiến một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ như: Khí tự nhiên tăng trên 4 lần; tôm đông lạnh tăng trên 2 lần; bột nổ đẩy (+81,43%); tấm lát đường và vật liệu lát, ốp lát (+32,23%); sứ vệ sinh (+68,28%); điện thương phẩm (+27,49%); nước uống được (+25,19%).... Bên cạnh đó còn một số sản phẩm có tốc độ giảm như: bia đóng lon (-0,4%); áo sơ mi (-12,21%); gạch xây (-6,74%); phôi thép (-5,53%); bộ dây đánh lửa (-5,57%), ... Nguyên nhân là trong tháng 7 và tháng 8 có một số doanh nghiệp sản xuất gạch xây dựng, gốm sứ, sợi... bị ảnh hưởng cơn bão số 1 nên ngừng hoạt động từ 1 đến 2 tháng; 01 nhà máy hoá chất mỏ dừng hoạt động 2 tháng để bảo dưỡng và tiếp tục sản xuất từ ngày 15 tháng 8.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 8 tăng 8,98% so với tháng 7 năm 2016, chỉ số tiêu thụ 8 tháng tăng 30,9% so với 8 tháng 2015. Ngành có chỉ tiêu tiêu thụ tăng như: Ngành chế biến thực phẩm, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng.
Chỉ số tồn kho tháng 8 năm 2016 ngành chế biến chế tạo giảm 7,54% so với tháng 7 năm 2016. Ngành có chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất sợi nhân tạo; sản xuất điện tử dân dụng; sản xuất kim loại...
Tình hình đăng ký doanh nghiệp[1]
Trong 8 tháng đầu năm toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 433 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 2.874,6 tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 15 Văn phòng đại diện, và 57 chi nhánh.
Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động: 66 DN; Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 52 DN. Trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 52.
Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp phép luỹ kế đến ngày 20/9/2016 là 06 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 19,62 triệu USD.
Đầu tư
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 9 năm 2016 ước thực hiện trên 327 tỷ đồng, (+8,5%) so với tháng trước và (+5,04%) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện gần 117 tỷ đồng, có tốc độ tương ứng (+3,09%) và (+67,06%); vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện gần 93 tỷ đồng tương ứng tăng (+11,21%) và (+55,59%); vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước thực hiện gần 117 tỷ đồng, tăng tương ứng (+12,34%) và (+53,77).
Tính chung 9 tháng năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.228 tỷ đồng, tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn NSNN cấp tỉnh tăng 1,58%; vốn NSNN cấp huyện tăng 24,64%; vốn NSNN cấp xã tăng 22,87%.
Ước tính thực hiện Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Thái Bình 9 tháng năm năm 2016 đạt gần 15.689 tỷ đồng tăng 9,33% so với cùng kỳ năm 2015. Chia theo nguồn vốn: vốn đầu tư thuộc nguồn vốn Nhà nước đạt 4.667 tỷ đồng, tăng hơn 28,5%; kinh tế ngoài Nhà nước thực hiện trên 10.663 tỷ đồng, tăng 8,7%; vốn đầu trực tiếp nước ngoài đạt trên 357 tỷ đồng tăng 26,4%.
Công tác xây dựng cơ bản của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã và đang hoàn thành nhiều dự án/công trình quan trọng, có ý nghĩa như: dự án cầu Trà Giang, dự án quảng trường Thái Bình - tượng đài Bác Hồ với nông dân, dự án mở rộng quốc lộ 10, cầu vượt sông Trà Lý, dự án Trung tâm tài chính - thương mại Thái Bình, công viên nước Thái Bình, dự án Nhiệt điện Mỹ Lộc...
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 20/9/2016 |
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thái Bình ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2016 đạt trên 11.682 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 119,2% dự toán HĐND giao. Trong đó:
- Thu nội địa ước đạt gần 7.723 tỷ đồng (+53,3%), trong đó: thu từ doanh nghiệp nhà nước, cổ phần ước đạt 320 tỷ đồng (+6,2%), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 300 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần), thu thuế TTCN- DV ngoài quốc doanh ước đạt gần 1.033 tỷ đồng (+14,9%)…
- Thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt trên 1.771 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần).
- Thu trợ cấp ngân sách Trung ương ước đạt 3.518 tỷ đồng (-21,8%) so với cùng kỳ năm trước
Chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt trên 7.868 tỷ đồng, đạt 88,7% so với dự toán, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong tổng chi:
- Chi phát triển kinh tế đạt 2.810 tỷ đồng (-0,4%), trong đó: chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt trên 2.309 tỷ đồng (-1,2%); chi sự nghiệp kinh tế đạt trên 412 tỷ đồng (-1,2%); chi sự nghiệp tài nguyên và môi trường đạt gần 75 tỷ đồng (+38,1%)…
- Chi tiêu dùng thường xuyên đạt trên 4.413 tỷ đồng (+8,4%), bằng 80,6% dự toán HĐND giao. Trong đó: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề đạt 1.825 tỷ đồng (+5,5%); chi quản lý hành chính đạt gần 1.090 tỷ đồng (+4,1%); chi đảm bảo xã hội đạt gần 805 tỷ đồng (+32,1%)…
Thương mại, giá cả, vận tải và dịch vụ
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 09/2016 ước đạt trên 2.249 tỷ đồng tăng 3,11% so với tháng trước và tăng 6,17% so với cùng kỳ. Chia theo thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước ước đạt trên 52 tỷ đồng, giảm 19,88% so tháng trước và giảm 27,6% so cùng kỳ; kinh tế tư nhân ước đạt trên 681 tỷ đồng tăng 11,39% so tháng trước và tăng 5,81% so với cùng kỳ; kinh tế cá thể ước đạt trên 1.515 tỷ đồng tăng 0,75% so tháng trước và tăng 8,07% so cùng kỳ năm 2015. Chia theo nhóm ngành hàng: nhóm hàng lương thực, thực phẩm dự tính đạt 648 tỷ đồng, có tốc độ tương ứng (+0,86%) và (+11,25%); nhóm đồ dùng trang thiết bị gia đình dự tính đạt gần 250 tỷ đồng, có tốc độ tương ứng (+5,14%) và (+4,49%); nhóm gỗ và vật liệu dự tính đạt 310 tỷ đồng, tăng tương ứng (+1,76%) và (+4,44%); nhóm xăng dầu dự tính đạt gần 433 tỷ đồng, tăng tương ứng (+0,22%) và (+4,73%)...
Doanh thu dịch vụ tháng 9/2016 uớc đạt gần 119 tỷ đồng, tăng 3,76% so với tháng trước và tăng 6,67% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 9/2016 ước đạt 8,3 tỷ đồng, có tốc độ tương ứng (+7,35%) và (-13,03%).
Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 9/2016 ước đạt 181 tỷ đồng, có tốc độ tương ứng (-1,22%) và (-5,12%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2016 ước đạt trên 2.558 tỷ đồng, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước.
Dự tính 9 tháng năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự kiến đạt 23.268 tỷ đồng, tăng 9,49% so với cùng kỳ năm 2015. Nếu loại trừ ảnh hưởng của giá cả, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2016 ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2016 dự kiến đạt trên 20.472 tỷ đồng tăng 10,46% so với cùng kỳ năm 2015. Chia theo loại hình kinh tế: loại hình kinh tế Nhà nước dự kiến đạt trên 497 tỷ đồng (-21,92%); kinh tế cá thể dự kiến đạt gần 13.961 tỷ đồng (+13,87%); kinh tế tư nhân dự kiến đạt trên 6.014 tỷ đồng (+6,72%) so với cùng kỳ.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú 9 tháng năm 2016 dự kiến đạt gần 75 tỷ đồng, giảm 16,69% so với cùng kỳ năm 2015.
- Doanh thu dịch vụ ăn uống 9 tháng năm 2016 dự kiến đạt 1.637 tỷ đồng, tăng 3,19% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Xuất khẩu:
Trị giá xuất khẩu hàng hoá tháng 9/2016 ước đạt gần 140 triệu USD, giảm 0,57% so với tháng trước và tăng 8,74% so với cùng kỳ (xuất khẩu tháng 9 giảm so với tháng 8 năm 2016 do ảnh hưởng của cơn bão số 1 nhiều đơn hàng xuất trong tháng 7 phải lùi thời gian chuyển sang tháng 8). Theo thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước ước đạt 1,45 triệu USD giảm 14,74% so với tháng trước và tăng 74,92% so với cùng kỳ; kinh tế tư nhân ước đạt 75,9 triệu USD tăng 0,81% so với tháng trước và tăng 18,6% so cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 62,48 triệu USD giảm 1,83% so với tháng trước và giảm 2,03% so với cùng kỳ. Trong tháng 9, nhiều mặt hàng xuất khẩu có xu hướng giảm so với tháng trước như: gạo xuất sang thị trường Trung Quốc (-25,65%), hàng thủ công mỹ nghệ (-29,22%), giấy tiền xuất sang thị trường Đài Loan (-12,52%), sản phẩm gốm sứ (-7,1%)…
Trị giá xuất khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2016 dự tính đạt hơn 930 triệu USD tăng 0,76 % so với cùng kỳ năm trước. Chia theo loại hình kinh tế: kinh tế Nhà nước dự tính đạt 8,8 triệu USD giảm 15,75%; kinh tế tư nhân ước đạt 498,6 triệu USD tăng 3,24%; kinh tế vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 422,7 triệu USD giảm 1,62% so với cùng kỳ. Chín tháng đầu năm 2016 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh vẫn là hàng may mặc với trị giá xuất khẩu ước đạt trên 694 triệu USD (chiếm 74,68% tổng kim ngạch xuất khẩu) tăng 6,69% so với cùng kỳ . Một số nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao trong 9 tháng đầu năm như: hàng thủy sản ước đạt 11,6 triệu USD (+64,13%); giấy và các sản phẩm từ giấy ước đạt 7,9 triệu USD (+39,37%);... tuy nhiên còn có những mặt hàng xuất khẩu có tốc độ giảm như: Gạo (-84,69%); sản phẩm mây, tre, cói (-12,43%); xơ sợi dệt các loại (-5,83%)...
Nhập khẩu:
Trị giá nhập khẩu hàng hoá tháng 09/2016 ước đạt trên 102 triệu USD, giảm 14,12% so với tháng trước và giảm 4,52% so với cùng kỳ, nhập khẩu tháng 9 giảm so với tháng 8 là do tháng 8 nhập khẩu xăng dầu tăng đột biến. Theo loại hình kinh tế: kinh tế nhà nước ước đạt 1,16 triệu USD giảm 7,76% so với tháng trước và tăng 17,02% so với cùng kỳ; kinh tế tư nhân ước đạt trên 54 triệu USD giảm 26,61% so với tháng trước và giảm 15,94% so cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt trên 47 triệu USD tăng 6,50% so với tháng trước và tăng 12,49% so với cùng kỳ.
Trị giá nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt trên 836 triệu USD giảm 3,77% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị hàng nhập khẩu về không qua sản xuất (xăng dầu) ước đạt gần 219 triệu USD (chiếm 26,13% tổng giá trị nhập khẩu), tăng 3,26% so với 9 tháng 2015. Chia theo thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước ước đạt 7,6 triệu USD giảm 47,96%; kinh tế tư nhân dự kiến đạt gần 448 triệu USD tăng 1,56%; kinh tế vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 381 triệu USD giảm 7,9%. Trong 9 tháng đầu năm, các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng cao trong kỳ: xơ, sợi dệt (tăng hơn 4,2 lần); sắt thép các loại (+47,78%); giấy các loại (tăng hơn1,4 lần)... Bên cạnh đó những mặt hàng có tốc độ nhập khẩu giảm như: chất dẻo nguyên liệu (-35,97%); bông các loại (-52,3%); kim loại thường khác (-45,24%)...
|
|
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2016 tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 2,87% so với cùng kỳ và tăng 2,99% so với tháng 12 năm trước. Trong tháng 9 năm 2016 có 6 nhóm hàng tăng so với tháng trước: nhóm “Hàng ăn và dịch vụ ăn uống” tăng 0,25% (trong đó: lương thực tăng 0,35%; thực phẩm tăng 0,30%); nhóm “Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD” tăng 0,34%; nhóm “Thiết bị và đồ dùng gia đình” tăng 0,24%; nhóm “Giao thông” tăng 0,56%; nhóm “Giáo dục” tăng 6,88%; nhóm “Văn hoá, giải trí và du lịch” tăng 0,49%. Các nhóm hàng còn lại đều tương đương tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 các năm 2014, 2015, 2016
|
Năm 2014 |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
CPI tháng báo cáo so với tháng trước |
100,82 |
99,72 |
100,60 |
Bình quân 9 tháng đầu năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,60% so với cùng kỳ (khu vực thành thị tăng 2,02%, khu vực nông thôn tăng 1,47%). Các nhóm hàng cấu thành có chỉ số tăng so với cùng kỳ như: “Hàng ăn và dịch vụ ăn uống” tăng 4,78%; “Đồ uống và thuốc lá” tăng 1,61%; “Thuốc và dịch vụ y tế” tăng 26,28%... Một số nhóm hàng có chỉ số tương đương hoặc giảm so với cùng kỳ: nhóm “May mặc, mũ nón, giầy dép” giảm 1,76%; nhóm “Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD” giảm 0,6%; nhóm “Thiết bị và đồ dùng gia đình” giảm 0,26%; nhóm “Giao thông” giảm 10,11%; nhóm “Bưu chính viễn thông” giảm 1,28%; nhóm “Giáo dục” giảm 0,25%...
Chỉ số giá vàng tháng 9/2016 tăng 0,09% so với tháng trước, bình quân 9 tháng tăng 6,17%; chỉ số giá đồng USD tháng 9/2016 tăng 3,1% so với tháng trước, bình quân 9 tháng tăng 1,53%.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 năm 2016 |
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hàng hoá:
Doanh thu vận tải hàng hoá tháng 9/2016 ước đạt trên 196 tỷ đồng tăng 2,97% so với tháng trước và giảm 2,54% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hoá vận chuyển ước đạt 1.366 ngàn tấn, tăng 0,76 % so với tháng trước và tăng 4,32% với cùng kỳ năm 2015. Khối lượng hàng hoá luân chuyển ước đạt trên 471 triệu tấn.km giảm 2,15% so với tháng trước, giảm 3,08 % so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá 9 tháng năm 2016 doanh thu ước đạt trên 1.715 tỷ đồng giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hoá ước đạt 11.767 ngàn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hoá luân chuyển 9 tháng ước đạt trên 4.225 triệu tấn/km tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách:
Doanh thu vận tải hành khách tháng 9/2016 ước đạt 118 tỷ đồng tăng 3,62% so với tháng trước và tăng 14,07% với cùng kỳ năm 2015. Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 1.507 ngàn người tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2015, số lượt hành khách luân chuyển ước đạt gần 184 triệu người.km tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng trong tháng do có ngành nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 liền kề với ngày nghỉ lễ thứ 7, chủ nhật nên số lượng hành khách rất đông cả chiều đi và chiều về.
Doanh thu vận tải hành khách 9 tháng ước đạt trên 1.019 tỷ đồng giảm 2,48% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt trên 13.296 ngàn người tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước, số lượt hành khách luân chuyển ước đạt gần 1.538 triệu người.km giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Một số tình hình xã hội
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong 8 tháng năm 2016, toàn tỉnh không xảy ra dịch lớn, không có trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm, ghi nhận tình hình mắc một số bệnh như sau:
+ 97 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác, 42 trường hợp mắc sốt xuất huyết thể lâm sàng (15 trường hợp ngoại lai), 12 ca mắc viêm não vi rút, 03 trường hợp xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản, 03 trường hợp mắc ho gà (xét nghiệm dương tính 02. Không có trường hợp tử vong.
+ 01 tử vong do nhiễm liên cầu lợn tại xã Nam Chính-Tiền Hải.
+ Kết quả giám sát tình hình người lao động tại Angola trở về mắc bệnh các truyền nhiễm: 01 trường hợp sốt xuất huyết Dengue/Suy đa phủ tạng (điều trị tại Viện Quân Y 103, tình trạng nặng-xin về và tử vong tại gia đình ngày 27/02/2016); 01 trường hợp tử vong tại Angola ngày 25/02/2016 (không rõ nguyên nhân); 01 ca sốt rét nhập và điều trị ổn định tại BVĐK tỉnh.
+ Không phát hiện trường hợp nào nghi ngờ nhiễm vi rút Zika trên địa bàn.
Phòng chống HIV/AIDS
Trong 8 tháng đầu năm, đã ghi nhận 102 ca nhiễm HIV mới (54 ca có danh tính và 48 ca chưa rõ danh tính), 30 người chuyển AIDS và 11 người tử vong do AIDS được báo cáo; lũy tích đến 25/8/2016, toàn tỉnh hiện đang quản lý 3.199 người nhiễm HIV/AIDS ở 252/286 xã, phường, thị trấn trong đó 1.321 bệnh nhân AIDS hiện còn sống.
Tích cực triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉ tiêu điều trị Methadone năm 2016; đến 25/8/2016 đã tiếp nhận và đưa vào điều trị Methadone cho 1.511 người nghiện ma túy (Trung tâm PC HIV/AIDS 222, TTYT Thành phố 279; Đông Hưng 140, Vũ Thư 115, Quỳnh Phụ 194, Hưng Hà 126, Tiền Hải 184, Kiến Xương 88, Thái Thụy 163).
Các đơn vị chức năng tiếp tục duy trì công tác điều trị ARV cho 1.098 bệnh nhân, lũy tích số bệnh nhân được điều trị ARV đến nay là 1.610 người, tư vấn và điều trị phơi nhiễm cho 48 trường hợp.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Chín tháng đầu năm, các đoàn liên ngành, chuyên ngành đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 1.433 cơ sở vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (22,6%), xử lý vi phạm hành chính 137 cơ sở với tổng số tiền phạt là 208,5 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu: 771 cơ sở vi phạm điều kiện vệ sinh cơ sở, 725 cơ sở vi phạm điều kiện trang thiết bị dụng cụ, 571 cơ sở vi phạm điều kiện về con người, 10 cơ sở vi phạm về ghi nhãn thực phẩm, 6 cơ sở vi phạm chất lượng sản phẩm và 08 cơ sở vi phạm về sản xuất nước uống đóng chai.
Toàn tỉnh cấp mới và cấp đổi 103 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; số sản phẩm được công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là 108 sản phẩm; gia hạn công bố hợp quy 33 sản, thẩm định và cấp hồ sơ quảng cáo cho 03 sản phẩm thực phẩm.
Trong 9 tháng, có 01 vụ ngộ độc thực phẩm đông người xảy ra sau ăn cỗ cưới tại xã An Đồng huyện Quỳnh Phụ, tổng số có 194 người mắc, 61 người được điều trị tại trạm y tế, 27 người điều trị tại bệnh viện đa khoa Phụ Dực, số còn lại được điều trị tại nhà. Không có ca tử vong.
Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9 năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông (giảm 3 vụ so tháng 8 năm 2016) làm chết 04 người, bị thương 01 người. 8 tháng đầu năm nay xảy ra 54 vụ tai nạn, làm chết 51 người (giảm 1,92% so với cùng kỳ năm 2015), bị thương 20 người.
Thiệt hại do thiên tai
Theo đánh giá thiệt hại của cơn bão số 1, thiên tai đã làm 46 người bị thương. Về công nghiệp: toàn tỉnh có 2.681 nhà xưởng, xí nghiệp công trình công nghiệp thiệt hại; 4.774 cột điện bị đổ gẫy; 360 km dây điện bị đứt; 21 trạm biến thế bị hư hỏng... ước tính giá trị thiệt hại 861,5 tỷ đồng. Giao thông, thông tin liên lạc thiệt hại trên 120 tỷ đồng. Về y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao: tổng số đơn vị y tế bị thiệt hại do bão gây ra là 155 đơn vị, ước tính giá trị thiệt hại gần 57 tỷ đồng; tổng số 571 phòng học, phòng chức năng và các thiết bị giáo dục bị hư hỏng, ước tính giá trị thiệt hại gần 50 tỷ đồng; 182 công trình văn hóa, thể thao bị thiệt hại, trong đó thiệt hại lớn nhất là công trình Nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng; 45 di tích lịch sử văn hóa bị ảnh hưởng, ước tính giá trị thiệt hại gần 57 tỷ đồng. Về nhà ở và các công trình khác: có 20.838 nhà ở bị thiệt hại trên 123 tỷ đồng; 175 trụ sở cơ quan, 64 chợ và một số công trình quốc phòng an ninh ước thiệt hại trên 200 tỷ đồng.
Ước tính tổng giá trị thiệt hại do bão gây ra là trên 3.000 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, lãnh đạo các địa phương đã khẩn trương triển khai công tác cứu trợ nhằm nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của dân.
Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Tháng 9 năm 2016, tỉnh Thái Bình đã xảy ra 03 vụ cháy (01 vụ ở Thành Phố, 02 vụ ở huyện Đông Hưng) ước tính thiệt hại khoảng 39 triệu đồng. Không có thiệt hại về người. Trong tháng không xảy ra vụ nổ nào.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy, làm 04 người bị thương, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 11.686 triệu đồng./.
CỤC THỐNG KÊ THÁI BÌNH
[1] Nguồn: Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Những tin mới hơn