Năm 2022, tình hình thế giới xảy ra nhiều biến động, những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng toàn cầu. Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Xung đột giữa Nga và U-crai-na làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra gián đoạn địa chính trị toàn cầu. Mặc dù tác động của đại dịch đã giảm ở hầu hết các quốc gia, nhưng những làn sóng kéo dài của nó vẫn tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,1%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 của một số nền kinh tế lớn so với dự báo đưa ra trước đó, dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ đạt 1,7%, khu vực đồng Euro tăng mức 3%, Nhật Bản ở mức 1,4%, Trung Quốc 3%. Trong khu vực Đông Nam Á, In-đô-nê-xi-a đạt 5,4%, Phi-li-pin đạt 7,4%, Thái Lan đạt 3,2%, Xin-ga-po đạt 3,3%, Ma-lai-xi-a đạt 7,3%.
Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sáng 20/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%). Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng cả hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại. Xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng do nhu cầu bên ngoài yếu đi. Tiêu dùng hậu Covid dường như cũng phục hồi chậm lại. Bên cạnh đó, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới.
Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có sự phục hồi, tăng trưởng khá và đạt kết quả tích cực. Nhiều dấu hiệu tích cực do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động thương mại, dịch vụ trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường; hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp từng bước hồi phục. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực.
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
Năm 2022, GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Bình (giá so sánh 2010) dự kiến đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ năm 2021 (kế hoạch 9% trở lên). Khu vực Nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 13.486 tỷ đồng, tăng 2,56% so với cùng kỳ, đóng góp 0,59 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực Công nghiệp - Xây dựng ước đạt 26.810 tỷ đồng, tăng 14,09% so với cùng kỳ, đóng góp 5,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng; trong đó: ngành công nghiệp tăng 17,49% (đóng góp 4,71 điểm phần trăm), ngành xây dựng tăng 7,49%. Khu vực Dịch vụ ước đạt 18.553 tỷ đồng, tăng 8,15% so với cùng kỳ, đóng góp 2,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm đóng góp 0,75 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 6/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 18/63 tỉnh trong cả nước.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành tỉnh Thái Bình đứng thứ 8/11 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22/63 tỉnh trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 58,9 triệu đồng. Cơ cấu GRDP tỉnh Thái Bình ước năm 2022 (theo giá hiện hành): khu vực Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,2%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 42,9%; khu vực Dịch vụ chiếm 29,6%; thuế sản phẩm chiếm 6,3%.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản
Năm 2022 sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường đầu vụ Xuân rét đậm gây bất lợi, tuy nhiên, khí hậu dần thuận lợi trong quý II do vậy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, dịch bệnh được kiểm soát; đàn lợn phục hồi chậm, đồng thời gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Thủy sản duy trì mức tăng về sản lượng nuôi trồng và khai thác, mặc dù khai thác thủy sản chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao song nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì ổn định và đạt kết quả tích cực. Năng suất lúa đạt cao, hoạt động chăn nuôi phát triển tốt, sản lượng thủy sản tăng, thị trường tiêu thụ ổn định đã góp phần vào tăng trưởng chung về giá trị sản xuất của khu vực này là 2,5% cụ thể:
Nông nghiệp
Trồng trọt
Cây hàng năm
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 2022 đạt 218,4 nghìn ha, giảm 1,5 nghìn ha (-0,7%) so với cùng kỳ; trong đó diện tích lúa cả năm đạt 151,6 nghìn ha, giảm 1,6 nghìn ha (-1%) so với năm 2021 (vụ Đông xuân gieo cấy đạt 75.621 ha, giảm 911 ha, vụ mùa gieo cấy đạt 76.006 ha, giảm 658 ha). Nguyên nhân giảm do các địa phương tiếp tục quy hoạch mở rộng khu, cụm công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang sử dụng cho mục đích trồng hàng năm khác và một số diện tích bỏ hoang không canh tác. Mặc dù diện tích gieo cấy lúa giảm song năng suất lúa lúa vụ xuân và vụ mùa đều cao hơn năm trước, do đó sản lượng lương thực vẫn đảm bảo tương đương năm 2021. Cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ chuyển dịch theo hướng tích cực mở rộng diện tích cấy giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng; trong đó diện tích giống lúa ngắn chất lượng cao tiếp tục được mở rộng.
Sơ bộ năng suất, sản lượng một số cây trồng như sau: Năng suất ngô đạt 57,7 tạ/ha, tăng 0,6%, sản lượng đạt 51,9 tấn, giảm 11,8%; khoai lang đạt 123,6 tạ/ha, giảm 0,1%, sản lượng đạt 33,3 tấn, giảm 12,8%; lạc đạt 32,1 tạ/ha, giảm 0,8%, sản lượng đạt 7,5 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ...
Sản xuất lúa cả năm 2022 đã giành được kết quả thắng lợi, năng suất lúa cả năm đạt 130,9 tạ/ha (năng suất lúa vụ xuân đạt 71,12 tạ/ha, vụ mùa đạt 59,85 tạ/ha). Sản lượng thóc cả năm đạt 998,9 nghìn tấn.
Theo tiến độ sản xuất của Sở NN & PTNT tính đến ngày 22/12/2022, diện tích đất trồng lúa vụ xuân đã cày lật 61.545 ha, đạt 82% kế hoạch gieo cấy lúa xuân năm 2023. Diện tích cây vụ đông đã thu hoạch 21.050 ha, đạt 57% diện tích cây vụ đông đã trồng.
Cây lâu năm
Diện tích cây lâu năm toàn tỉnh năm 2022 ước đạt 8.157 ha, tăng 0,98% (+80 ha) so với năm 2021; trong đó diện tích cây ăn quả đạt 5.880 ha chiếm 71,3% trong tổng diện tích của toàn tỉnh, tăng 1,04% (+60 ha) so với cùng kỳ năm 2021, diện tích tăng tập trung ở một số loại cây trồng như: chuối, mít… Chủ trương giảm diện tích lúa kém hiệu quả chuyển sang các cây trồng khác đặc biệt là cây ăn quả có giá trị kinh tế đã khẳng định được hiệu quả kinh tế.
Hầu hết các loại cây ăn quả đều được mùa cho năng suất khá, sản lượng của nhiều loại cây trồng như chuối, ổi, hồng xiêm, mít,...tăng so cùng kỳ như: Chuối đạt 76,8 nghìn tấn, tăng 2,4%; ổi đạt 3,3 nghìn tấn, tăng 6,8%; hồng xiêm đạt 4,9 nghìn tấn, tăng 8,5%; mít đạt 2,3 nghìn tấn, tăng 1,3% ...
Chăn nuôi
Sản xuất chăn nuôi năm 2022 trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định có xu hướng phục hồi tốt theo hướng tăng trọng lượng xuất chuồng bình quân của vật nuôi. Chuyển dịch cơ cầu giống vật nuôi diễn ra mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh các giống vật nuôi cao sản hướng thịt, trứng giúp giảm thời gian nuôi tăng trọng lượng xuất chuồng, chăn nuôi theo hình thức theo hình thức trang trại, công nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ được nhân rộng.
Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và chăn nuôi VietGahp được tuyên truyền nhân rộng áp dụng rộng rãi; khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y được chuyển giao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chăn nuôi gia súc: Ước tính đến thời điểm tháng 12/2022 tổng đàn trâu, bò đạt 58,7 nghìn con, tăng 1,6% so cùng kỳ; trong đó, tổng đàn trâu ước đạt 7,1 nghìn con, tăng 2,1%; tổng đàn bò đạt 51,6 nghìn con, tăng 1,6%. Tính chung cả năm 2022 sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 10.427 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 897 tấn, tăng 1,9%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 9.530 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Hiện nay giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi cao nên việc tái đàn chững lại mặc dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, quy mô tái đàn nuôi tập trung ở các cơ sở chăn nuôi trang trại và gia trại, đối với các hộ nuôi nhỏ có xu hướng giảm về số cơ sở nuôi.
Ước tính tổng đàn lợn toàn tỉnh đến hết tháng 12/2022 đạt khoảng 699,5 nghìn con, tăng 1,6% tổng đàn so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2022 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 167,6 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Chăn nuôi gia cầm
Ước tính số lượng đàn gia cầm tháng 12/2022 đạt 14,5 triệu con, tăng 1,5% so với cùng kỳ; trong đó, số lượng đàn gà đạt 10,2 triệu con, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2022 sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 70,8 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 55,6 nghìn tấn, tăng 1,2%; sản lượng trứng gia cầm đạt 338,3 triệu quả, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp
Tính chung cả năm 2022 đã trồng mới được 13,4 ha rừng phòng hộ, giảm 65%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.315 m3, tăng 2,3%; sản lượng củi khai thác ước đạt 7.508 ste, tăng 0,3%. Phong trào trồng cây ở Thái Bình năm 2022 vẫn được các địa phương duy trì, toàn tỉnh trồng được 1.722 nghìn cây lâm nghiệp phân tán, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Thuỷ sản
Trong năm sản xuất thủy sản tương đối ổn định và đạt kết quả khá, thời tiết nhìn chung tương đối tốt tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ không đáng kể; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển khá tại một số địa phương, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm, Chép, cá Diêu Hồng, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính... diễn biến thời tiết trong năm tương đối thuận lợi nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt và nước mặm, năng suất nuôi trồng đạt khá.
Tổng sản lượng thủy sản cả năm 2022 ước đạt 280,3 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 112,1 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 7,9 nghìn tấn, tăng 3,3%; thủy sản khác đạt 160,3 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Khai thác
Tính chung cả năm 2022 sản lượng khai thác ước đạt 98,5 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 66,7 nghìn tấn, 3,5%; tôm đạt 2,3 nghìn tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác đạt 29,5 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ 2021.
Nuôi trồng
Từ đầu năm đến nay tình hình thời tiết tương đối ổn định, dịch bệnh không đáng kể thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản của người dân.
Tính chung cả năm 2022 sản lượng nuôi trồng ước đạt 181,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 45,4 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 5,7 nghìn tấn, tăng 3,2%; thủy sản khác ước đạt 130,7 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được phát triển về số lương lồng nuôi, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong và ngoài tỉnh, toàn tỉnh hiện có 520 bè nuôi hàu, 594 lồng nuôi cá/66.494 m3, đối tượng nuôi chủ yếu gồm các loại có giá trị cao như: cá diêu hồng, cá trắm, cá chép, cá lăng… năng suất thu hoạch bình quân đạt trên 4-5 tấn/lồng; hiện một số hộ nuôi đang thử nghiệm nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao như cá hô, cá tra, hàu… sản lượng cá lồng đã góp phần đáng kể vào kết quả tăng trưởng và phát triển của ngành thủy sản tỉnh Thái Bình năm 2022.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tỉnh Thái Bình tháng 12/2022 tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 20,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành Khai khoáng tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 4% so với cùng kỳ; Công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng tương ứng 1% và 10,6%; Sản xuất và phân phối điện tăng lần lượt 48,5% tháng trước và hơn 2 lần năm trước (Nhà máy điện II Thái Bình đi vào phát điện, chạy thử); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6% so với tháng trước và so với cùng kỳ tăng 10,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 14,2% so với năm 2021; trong đó: Khai khoáng tăng 42,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải giảm 2,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 12 tháng 2022 có tốc độ tăng cao so với tháng trước như: Điện sản xuất (+56,3%); Nitơrat A moni (+17%); Tai nghe khác (+10,5%); khăn mặt, khăn tắm (+1,2%);.... Tuy nhiên trong tháng 12 năm 2022 một số sản phẩm giảm: Dịch vụ tráng phủ kim loại bằng cách nhúng vào kim loại chảy (-20%); Bia chai (-15,4%); Bia hơi (-12,8%); bộ conple, áo jacket (7,9%); so với tháng trước.
Một số ngành có chỉ số sản xuất sản phẩm năm 2022 tăng cao so với năm 2021 như: Tai nghe khác (+92,6%); Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng (+33,9%); Túi khí an toàn (+44,1%); sứ vệ sinh (+26,7%); bia chay (33,8%)… Tuy nhiên vẫn còn một số sản phẩm có tốc độ giảm sâu như: Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ (-18%); Loa đã hoặc chưa lắp vào hộp loa (-43%); Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác (-39,6%);…
Chỉ số tiêu thụ: toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2022 tăng 94,1% so tháng 11/2022.
Chỉ số tồn kho: tháng 12/2022 tăng 9,4% so với tháng 11/2022
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 12/2022 tăng 1% so tháng 11/2022 và tăng 1,2% so với 12 tháng cùng kỳ năm 2021.
Qua khảo sát thực tế xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý IV năm 2022:
Xu hướng tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh chế biến, chế tạo toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo: số doanh nghiệp có tình trạng sản xuất tốt lên là 47,2%, giữ nguyên là 30,8%, khó khăn hơn là 22% so với Quý III/2022. Dự tính tình hình sản xuất quý I/2023: Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất tốt lên chiếm 20,1% giảm 27,1% so với quý IV/2022, giữ nguyên chiếm 49,1% tăng 18,3% so quý IV/2022 và khó khăn hơn chiếm 30,8% tăng 8,8% so với Quý IV/2022.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 7.694 tỷ đồng, tăng 48% so cùng kỳ. Vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 3.440 tỷ đồng, tăng 19%; vốn ngân sách huyện ước đạt 2.979 tỷ đồng, tăng 84,7%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt 1.274 tỷ đồng, tăng 83,7 % so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước đạt 55.895 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021; trong đó: Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước ước đạt 7.695 tỷ đồng, tăng 48%; vốn đầu tư khu vực dân cư và tư nhân ước đạt 36.005 tỷ đồng, tăng 10,5%; vốn đầu tư khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 3.401 tỷ đồng, giảm 13,9% so cùng kỳ.
Một số dự án trọng điểm thực hiện trong năm 2022
Dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện 2 Thái Bình, tổng mức đầu tư là 49.200 tỷ đồng, dự kiến quý 4 thực hiện 731 tỷ đồng và năm 2022 đạt 2.309,7 tỷ đồng;
Dự án đầu tư nhà máy luyện và cán thép Shengli, tổng mức đầu tư 1071 tỷ đồng, dự kiến quý 4 và năm 2022 đạt 571 tỷ đồng;
Dự án nhà máy Jinyang Electronics Vina, tổng mức đầu tư 483 tỷ đồng, dự kiến quý 4 và năm 2022 đạt 51,5 tỷ đồng;
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy vải túi khí Asahi Kassei, tổng mức đầu tư 906 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 66 tỷ đồng và năm 2022 đạt 178 tỷ đồng;
Dự án Tuyến Đường Bộ Ven Biển (đoạn 9km Hải Phòng - Thái Bình), tổng mức đầu tư 648,7 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 90 tỷ đồng và năm 2022 đạt 229 tỷ đồng;
Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiền hải- Công ty Viglacera, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 115 tỷ đồng và năm 2022 đạt 375 tỷ đồng;
Dự án nhà ở xã hội Thành Công - phường Quang Trung, tổng mức đầu tư 363 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 49 tỷ đồng và năm 2022 đạt 188 tỷ đồng;
Khu công nghiệp – Đô thị Liên -Hà -Thái, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 525 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 1.725 tỷ đồng;
Khu công nghiệp -dịch vụ- Đô Thị Hải Long, tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 430,5 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng;
Cụm công nghiệp Thụy Sơn, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 178,5 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 553 tỷ đồng;
Dự án nhà máy Lotes Việt Nam của Công ty TNHH cổ phần công nghiệp thiết bị kết nối Lotes Thái Thụy, tổng mức đầu tư 2.760 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 162 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 310 tỷ đồng;
Công ty TNHH đồ dùng du lịch Trung Nhạc Viêt, tổng mức đầu tư 232 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 26 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 121 tỷ đồng;
Dự án nhà máy Lotes Việt Nam của Công ty TNHH cổ phần công nghiệp thiết bị kết nối Lotes, tổng mức đầu tư 395 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 73 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 257 tỷ đồng;
Dự án nhà máy sản xuất đèn Led chiếu sáng và trang trí, đèn sân khấu, đèn mini truyền thống của Công ty CPHH Bonus Premium, tổng mức đầu tư 115,7 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 26 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 85,7 tỷ đồng;
Dự án nhà máy Ohsung Vina Thái Bình, tổng mức đầu tư 907 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 235 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 402 tỷ đồng;
Dự án đầu tư xây dựng Nhà điều trị bệnh nhân; trạm biến áp và cải tạo một số hạng mục phụ trợ Bệnh viện đa khoa Phụ Dực, huyện Quỳnh Phụ, tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 9,7 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 22 tỷ đồng;
Đền thờ mẹ việt nam Anh hung, tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 3,2 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 10,3 tỷ đồng;
Dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng, dự kiến quý 4 là 21 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 54 tỷ đồng;
Xây dựng Nhà lớp học, phòng học bộ môn và hạng mục phụ trợ Trường THPT Phụ Dực, tổng mức đầu tư 33 tỷ đồng dự kiến quý 4 là 9 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 26 tỷ đồng;
Xây dựng Nhà học 4 tầng 20 phòng học và xây dựng bổ sung một số gian nhà xe cho học sinh Trường THPT Nguyễn Du, tổng mức đầu tư 23,7 tỷ đồng dự kiến quý 4 là 4,6 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 12,6 tỷ đồng;
Xây dựng Nhà học 3 tầng 18 phòng học Trường THPT Bắc Đông Quan, tổng mức đầu tư 21,6 tỷ đồng dự kiến quý 4 là 6 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 15,6 tỷ đồng;
Nhà khám chữa bệnh, trung tâm lọc máu, nhà cận lâm sàng, nhà hành chính và một số hạng mục phụ trợ thiết yếu Bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải, tổng mức đầu tư 61 tỷ đồng dự kiến quý 4 là 9 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt 26,6 tỷ đồng.
Tình hình đăng ký kinh doanh
Tính đến đầu tháng 12 năm 2022 đã cấp 1.064 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 9.741 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 502 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 103 doanh nghiệp, trong đó Doanh nghiệp tổ chức lại là 01 doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp là 102 Doanh nghiệp.
Tính chung năm 2022 có 08 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 219,82 triệu USD.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tình hình thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi và tăng trưởng khá từ quý II năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều hoạt động có sự tăng trưởng khởi sắc như lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận tải hành khách. Giá cả hầu hết các hàng hóa trong năm có biến động tăng do ảnh hưởng từ giá xăng dầu và giá nguyên liệu sản xuất tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,6% so với cùng kỳ, xuất khẩu tăng 13,5%, nhập khẩu tăng 20,1%, vận chuyển hành khách tăng 43,2%, vận chuyển hàng hóa tăng 18%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 59.613 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2022 ước đạt 52.397 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Riêng nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 14,1%; các nhóm hàng còn lại đều tăng so với cùng kỳ như: Nhóm ô tô con (+1,1 lần); nhóm sửa chữa xe có động cơ (+35,6%); nhóm nhiên liệu khác (+33,5%); nhóm phương tiện đi lại (+30%); nhóm hàng may mặc (+30%); nhóm xăng dầu các loại (+27,8%); nhóm hàng hóa khác (+19,9%); nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+17,6%); nhóm gỗ và vật liệu xây dựng (+15,7%);…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2022 ước đạt 3.941 tỷ đồng, tăng 41,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 141 tỷ đồng, tăng 30,3%; dịch vụ ăn uống ước đạt 3.761 tỷ đồng, tăng 40,4%; dịch vụ lữ hành ước đạt 39 tỷ đồng, tăng 39 lần. Doanh thu dịch vụ tăng do dịch bệnh được kiểm soát tốt; nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, du lịch của người dân tăng cao.
Doanh thu dịch vụ khác năm 2022 ước đạt 3.275 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ, do dịch bệnh được kiểm soát nên tất cả các dịch vụ hoạt động trở lại bình thường; trong đó tăng mạnh nhất là nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ đạt 801 tỷ đồng, tăng 36,2%; dịch vụ giáo dục đạt 56 tỷ đồng, tăng 39,5%; dịch vụ y tế đạt 517 tỷ đồng, tăng 27,4%; dịch vụ nghệ thuật và vui chơi giải trí đạt 387 tỷ đồng, tăng 13,5%; dịch vụ khác đạt 833 tỷ đồng, tăng 12,2%, dịch vụ bất động sản đạt 681 tỷ đồng, tăng 1,5%.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2022 tăng 0,07% so với tháng trước; tăng 5,31% so với cùng tháng năm trước; tăng 5,31% so với tháng 12 năm trước. Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng 12: Nhóm giao thông giảm 3,07%, do tác động của giá xăng dầu giảm trong tháng (xăng 95 giảm 3.140 đồng/lít; xăng E5 giảm 2.760 đồng/lít; dầu điezen giảm 3.200 đồng/ lít; dầu hỏa giảm 2.810 đồng/lít); trong 12 tháng có 15 lần giảm và 17 lần tăng. So với tháng trước CPI có 01 nhóm giảm, 06 nhóm tăng, 04 nhóm ổn định; so với cùng kỳ năm trước CPI có 9 nhóm tăng, 01 nhóm giảm và 01 nhóm ổn định.
CPI bình quân năm 2022 tăng 2,53% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá: chỉ số giá nhóm giao thông tăng 12,70% do giá xăng dầu tăng; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,31%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,58%; chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,41%; chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,26%; chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giấy dép tăng 0,57%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,54%; chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,49%; chỉ số nhóm văn hóa và giải trí du lịch tăng 0,39%; chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Ước tính năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 4.522 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ (xuất khẩu tăng 13,5%; nhập khẩu tăng 20,1%).
Xuất khẩu
Ước tính năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.427 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 1.468 triệu USD, tăng 25,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 959 triệu USD, giảm 0,5%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hàng dệt may đạt 1.445 triệu USD, tăng 23,6%; hàng hóa khác đạt 387 triệu USD, tăng 38%; sản phẩm từ sắt thép đạt 25 triệu USD, tăng 15,8%; hàng thủy sản đạt 20,5 triệu USD, tăng 26,5%; sản phẩm gốm, sứ đạt 20,5 triệu USD, tăng 11,7%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 16 triệu USD, tăng 31,6%;... ngược lại một số sản phẩm giảm: Xơ, sợi dệt các loại đạt 142,5 triệu USD, giảm 19,4%; sắt thép đạt 18,7 triệu USD, giảm 89,9%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 4,3 triệu USD, giảm 48%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,2 triệu USD, giảm 20,9%;
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh chiếm tỷ trọng 25,7% chủ yếu xuất khẩu hàng dệt may; tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 16,1%; Nhật Bản chiếm 13%; Hồng Kông chiếm 9,8%.
Nhập khẩu
Ước tính năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.095 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ; trong đó: kinh tế tư nhân đạt 1.511 triệu USD, tăng 48,3% chủ yếu do nhập khẩu xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn (38%) có tốc độ tăng cao (+81,3%); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 584 triệu USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ do nhập khẩu phế liệu sắt thép giảm sâu (-57,4%). Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn tăng cao so với cùng kỳ như: Xăng dầu các loại đạt 796 triệu USD, tăng 81,3%; vải các loại đạt 516 triệu USD, tăng 15,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 311 triệu USD, tăng 8,6%; Xơ, sợi dệt các loại đạt 88 triệu USD, tăng 79,5%; hàng thủy sản đạt 4,4 triệu USD, tăng 28,4%;...
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Singapore là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh chiếm tỷ trọng 38,8% chủ yếu nhập khẩu xăng dầu; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 13,9% chủ yếu nhập nguyên liệu phục vụ ngành may; Hàn Quốc chiếm 9,4%; Hồng Kông chiếm 8,5%.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 của tỉnh xuất siêu 332 triệu USD, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang hồi phục, triển vọng tăng trưởng trở lại mặc dù vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái.
Hoạt động vận tải
Hoạt động vận tải, bưu chính và chuyển phát trên địa bàn tỉnh năm 2022 đã đáp ứng được nhu cầu của người dân và đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu biến động liên tục theo giá xăng dầu thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, cá nhân, trong đó lĩnh vực vận tải, bưu chính và chuyển phát chịu tác động lớn nhất. Ước tính năm 2022 tổng doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 7.229 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
Ước tính năm 2022, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.998 tỷ đồng, tăng 45,2% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 26,8 triệu người, tăng 43,2%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 3.034,5 triệu người.km, tăng 44,7% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Ước tính năm 2022, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 5.148 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 2.948 tỷ đồng, tăng 21,8%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 1.870 tỷ đồng, tăng 14%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 330 tỷ đồng, tăng 15,4%. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 30,8 triệu tấn, tăng 18%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 11.340 triệu tấn.km, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính năm 2022 đạt 76 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Doanh thu bưu chính chuyển phát ước tính năm 2022 ước đạt 6,9 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.
Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện năm 2022 đạt 27.903 tỷ đồng, đạt 155% so với dự toán, tăng 26.7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 12.469 tỷ đồng, tăng 18,4%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 58,7%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2022 đạt 23.078 tỷ đồng, đạt 152% so với dự toán, tăng 27% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 11.033 tỷ đồng, tăng 57%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 10.066 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngân hàng duy trì ổn định, tín dụng tăng trưởng khá, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dịch vụ áp dụng công nghệ hiện đại vào ngân hàng. Dự kiến đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 105.550 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 87.600 tỷ đồng, tăng 16,5% so với thời điểm 31/12/2021; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chiếm 0,7% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thái Bình, năm 2022 ước thu 5.305 tỷ đồng. Phát triển mới 550 đơn vị với 10.145 lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN; quản lý 227.500 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 9.866 người so với cùng kỳ); 54.100 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 13.322 người so với cùng kỳ); 216.350 người tham gia BHTN (tăng 8.737 người so với cùng kỳ); có 1.627.500 người tham gia BHYT (tăng 7.890 người so với cùng kỳ), chiếm 87% dân số có thẻ bảo hiểm y tế.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Dân số, tình hình lao động và việc làm
Dân số trung bình năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 1.878,5 nghìn người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 1.141,6 nghìn người, trong đó lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế là 1.129 nghìn người. Cơ cấu lao động như sau: lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ 27%, lao động công nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ 46,03% và lao động dịch vụ chiếm tỷ lệ 26,97%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 56,4 triệu đồng.
Công tác lao động, việc làm và an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 34.500 lao động, đào tạo nghề cho 36.100 lao động, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định. Tỉnh thực hiện hỗ trợ đối với 220.961 người lao động và người dân của 3.294 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 93 tỷ đồng; hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động của 2.628 đơn vị với số tiền trên 87,2 tỷ đồng, hỗ trợ bằng tiền mặt cho 186.462 người lao động với số tiền trên 442 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 1.283 người lao động của 79 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 1,8 tỷ đồng.
Trợ cấp xã hội
Công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em được tăng cường. Đã cấp 42.265 thẻ BHYT người nghèo, người cận nghèo với kinh phí trên 17 tỷ đồng. Hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập cho 19.109 lượt học sinh nghèo với kinh phí 7.343,7 triệu đồng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho 1.263 lượt trẻ em mẫu giáo thuộc hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí trên 925,68 triệu đồng. Có 8.085 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 373,119 triệu đồng; 15.625 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí trên 5.154,43 triệu đồng.
Năm 2022, toàn tỉnh chi trả trợ cấp xã hội cho trên 112.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng với tổng kinh phí chi trả trên 500 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí mai táng cho trên 3.000 đối tượng với kinh phí hỗ trợ mai táng trên 21 tỷ đồng; 87 trường hợp được được nhận hỗ trợ từ chương trình Cặp lá yêu thương. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hàng tháng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội tại trung tâm được chăm sóc chu đáo, nghĩa tình.
Lĩnh vực người có công
Tập trung thực hiện các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", phát động ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng chung tay chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), toàn tỉnh đã tặng 540.900 suất quà cho người có công và thân nhân với tổng kinh phí 180,1 tỷ đồng. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, toàn tỉnh đã tặng 254.572 suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân với tổng kinh phí 86,1 tỷ đồng. Tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022) và biểu dương, khen thưởng 100 cá nhân là người có công, thân nhân của người có công tiêu biểu và tập thể đã có nhiều thành tích trong công tác người có công. Triển khai tặng 286.328 suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân với tổng kinh phí trên 94 tỷ đồng. Trong đó, tặng 68.817 suất quà của Chủ tịch nước, kinh phí 21,3 tỷ đồng; 86.533 suất quà của Tỉnh, kinh phí 52 tỷ đồng; 86.452 suất quà của huyện, thành phố, kinh phí 17,22 tỷ đồng; quà của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tặng 44.526 suất, kinh phí 4,44 tỷ đồng. Hướng tới các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Quỹ Thiện tâm-Tập đoàn Vingroup đã tặng 1.118 suất quà cho thương, bệnh binh nặng của tỉnh (15 triệu đồng/người), kinh phí 16,77 tỷ đồng và tặng quà cho 91 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, kinh phí 455 triệu đồng.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh Covid-19
Theo báo cáo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, Sở Y tế tiếp tục thực hiện tốt vai trò của cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh thường xuyên được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt phù hợp với chỉ đạo của Trung ương, diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tế tại địa phương, đảm bảo kiểm soát dịch hiệu quả, vừa ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 25/12/2022 số trường hợp mắc mới là 268.821ca (cộng đồng 140.825 ca, cách ly phong tỏa 127.996 ca), 96.671 theo dõi khác tại cộng đồng. Hoàn thành điều trị/cách ly 271.381 chuyển viện Trung ương 30, tử vong 70.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của địa phương, tỉnh Thái Bình đã triển khai thành công “Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mùa Xuân từ ngày 1/2- 28/2/2022”, là địa phương dẫn đầu cả nước về số mũi tiêm thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán với 125.319 mũi tiêm. Sở Y tế đã chủ động tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn với đa dạng các hình thức, điểm tiêm cố định và lưu động, phù hợp với từng đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Tính đến 17h00 ngày 25/12/2022, Thái Bình đã thực hiện 4.336.380 mũi tiêm.
Công tác phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến: Trong chín tháng năm 2022 đã ghi nhận 229 trường hợp sốt xuất huyết (tăng 214 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 110 trường hợp nội sinh, không ghi nhận tử vong, 09 tháng đầu năm, toàn tỉnh không phát hiện bệnh nhân sốt rét. Ghi nhận 457 trường hợp mắc tay chân miệng tăng 395 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021, các ca mắc chủ yếu ở nhóm trẻ em, không ghi nhận ca tử vong. Thủy đậu là 326 trường hợp giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021 là 517 trường hợp). Các bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2021; không ghi nhận ca bệnh truyền nhiễm như Cúm A/H5N1, H7N9. Bệnh đậu mùa khỉ ở người chưa ghi nhận ca mắc/nghi mắc.
Tình hình HIV/AIDS
Công tác quản lý, giám sát, phòng chống HIV/AIDS được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 2.263 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 242/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 765 phụ nữ nhiễm (33,8%), 30 trẻ em nhiễm (1,32%), phát hiện mới 43 người nhiễm HIV và 12 trường hợp phơi nhiễm với HIV.
Tháng 4/2022 tỉnh Thái Bình được BQLDA Quỹ toàn cầu Trung ương chọn triển khai thí điểm hoạt động tự xét nghiệm HIV Online. Kết quả: Sau 5 tháng triển khai đã có 202 khách hàng tham gia đánh giá nguy cơ, 177 khách hàng đăng ký nhận test xét nghiệm HIV thành công và làm xét nghiệm, 173 khách hàng có kết quả âm tính, 04 khách hàng có phản ứng và được tư vấn lên phòng xét nghệm khẳng định của tỉnh để làm khẳng định.
Các cơ sở điều trị thay thế nghiện chất bằng thuốc Methadone đã tiếp nhận và điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.421 người nghiện tại tất cả các cơ sở điều trị và duy trì việc thực hiện các xét nghiệm định kỳ và test nhanh heroin. 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS (OPC) cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT điều trị ARV cho 1.360 bệnh nhân, trong đó có 30 trẻ em. Tất cả bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, không phát hiện tai biến trong điều trị. 09 tháng đầu năm đã có 381 đối tượng nguy cơ cao được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Prep).
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngành Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh ban hành các văn bản quan trọng chỉ đạo tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện mục tiêu kép bảo đảm ATVSTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19, cụ thể là: Triển khai công tác hậu kiểm ATTP năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, tham gia kiểm tra Liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân, ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, 2/9, Tết Trung thu và các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về ATVSTP thông qua việc kiểm tra, giám sát, truy xuất sản xuất thực phẩm chức năng không bảo đảm chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. 09 tháng kiểm tra 163 cơ sở trong đó 133 cơ sở đạt, 24 cơ sở không đạt, 06 cơ sở dừng hoạt động. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 135,7 triệu đồng. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 254 cơ sở; tiếp nhận 36 hồ sơ tự công bố sản phẩm cho các loại sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền và các cơ sở men rượu. Những cơ sở đủ điều kiện được công khai trên Website của Chi cục ATVSTP theo quy định. Trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Nam Hải huyện Tiền Hải.
Hoạt động giáo dục
Ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2021-2022, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023; duy trì ổn định quy mô và chất lượng dạy học trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Đến ngày 31/5/2022, toàn tỉnh có 742 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên với 12.362 lớp, 416.914 học sinh. Thái Bình có 28 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đứng thứ 8 toàn quốc về số học sinh đạt giải nhất; 1 dự án đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học; đặc biệt em Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh trường THPT Bắc Duyên Hà đạt quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 22.
Tổ chức tốt các kỳ thi, hội thi. Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 cấp tỉnh; Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật trung học phổ thông cấp tỉnh; thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2022-2023; thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99.7%, đứng thứ 10 toàn quốc về điểm trung bình các môn (6,62) và số lượng thí sinh đạt điểm 10 (173 điểm 10)
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Hoàn thành biên soạn, dạy thực nghiệm tại các cơ sở giáo dục về Tài liệu địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học được đầu tư xây dựng; toàn tỉnh có 685/732 (93,5%) trường đạt chuẩn quốc gia.
Văn hoá - Thể thao
Các hoạt động văn hóa, thông tin, báo chí, văn học nghệ thuật đã tập trung tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị, công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ 4; 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ 5; đón nhận Bằng công nhận Hương án Chùa Keo là bảo vật quốc gia...
Các chương trình, kế hoạch, đề án về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình được triển khai thực hiện tích cực. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia hoàn thành hồ sơ Nghệ thuật Chèo tỉnh Thái Bình trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; lập Hồ sơ “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng" đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao được đẩy mạnh; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh Thái Bình lần thứ IX và tham dự tốt Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Các đoàn vận động viên của tỉnh tham gia các giải thi đầu thể thao toàn quốc, khu vực đạt nhiểu thành tích tốt. Vận động viên của tỉnh tham gia 21 giải thi đấu thể thao khu vực toàn quốc đạt được 97 huy chương (31 vàng, 29 bạc, 37 đồng); tham gia thi đấu tại Sea Games 31 có 10 vận động viên, giành 12 huy chương (06 vàng, 03 bạc, 03 đồng); đội bóng chuyền nữ Geleximco Thái Bình giành cúp vô địch tại Giải Bóng chuyền quốc gia 2022 và Giải Bóng chuyền bông lúa vàng tranh cúp Geleximco năm 2022.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thái Bình từ ngày 15/11/2022 đến ngày 14/12/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông làm 04 người chết và 21 người bị thương. Tính chung cả năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông (trong đó đường bộ 130 vụ, đường thủy nội địa 02 vụ), giảm 18 vụ so với cùng kỳ (-12%) làm 61 người chết và 101 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/12/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra vụ cháy, nổ.
Trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, không thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản hàng hóa ước tính là 42,9 triệu đồng (còn 01 vụ đang thống kê giá trị thiệt hại). Trong năm không xảy ra các vụ nổ trên địa bàn.
Như vậy có thể thấy tình hình văn hóa xã hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc; tình hình dịch bệnh covid 19 được khống chế, không có các dịch bệnh lớn xảy ra; lĩnh vực chăm sóc người có công, các đối tượng chính sách được quan tâm thúc đẩy; lĩnh vực giáo dục đào tạo đạt nhiều thành tích nổi bật; các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức hoạt động sôi nổi sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh; tình hình lao động, thu nhập của người dân được cải thiện; an ninh, an toàn xã hội được đảm bảo và kiềm chế thiệt hại./.