Mô hình nuôi ếch kết hợp với cá rô của anh Nguyễn Thế Công, xã Đông Cường huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn giảm ô nhiễm môi trường. Chỉ với 2.000 m2 ao, mỗi năm anh Công thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô của anh Nguyễn Thế Công đúng ngày anh xuất cá. Hàng tấn cá rô kéo lên đều được các thương lái khắp nơi đến thu mua hết, anh Công không phải lo đầu ra. Cá rô do anh Công nuôi chất lượng tốt, giá cả hợp lý, cá được thương lái mua về chế biến thành cá rút xương, cá rim,… cung cấp cho các tỉnh, thành, họ đều đánh giá cao về chất lượng thịt cá.
Trước khi đến với nghề nuôi ếch - cá, anh Công đã phải làm nhiều nghề khác nhau, nhưng thu nhập thấp, kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Cách đây 3 năm, anh Công đã xin ra vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã chuyển đổi ruộng lúa kém hiệu quả, đào ao nuôi ếch trong lồng lưới trên mặt ao kết hợp nuôi cá rô dưới ao đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Trên diện tích khoảng 2.000 m2 anh đào 3 ao, mỗi ao khoảng 4,5 sào thả cá, ếch, diện tích còn lại anh xây các ngăn chuồng ương ếch giống, cá rô giống. Anh Công chia sẻ: “Nuôi kết hợp ếch, cá có nhiều lợi ích, nhất là tiết kiệm chi phí, diện tích nuôi. Ếch lột da và thức ăn thừa của ếch đều được cá rô bên dưới ăn nên tiết kiệm được 15 - 20% chi phí thức ăn, mỗi ao tôi thả 12 vạn cá rô. Nuôi ếch hay bị bệnh gan, thận, cá rô thì sốt huyết dạ dày, đầu đen. Phòng tránh bằng cách giữ môi trường nước sạch, bơm nước thường xuyên, định kỳ khử khuẩn, bị bệnh thì kịp thời phát hiện, điều trị sớm”.
Trong quá trình nuôi để nâng cao được năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ếch, cá, anh Công không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi trên mạng internet, tham gia các lớp tập huấn, thăm quan các mô hình đã thành công,… áp dụng vào thực tế tại vùng nuôi của gia đình. Một năm cá rô nuôi được 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9; ếch thì nuôi quanh năm. Một năm anh Công xuất 13 - 14 tấn cá rô và 7 - 8 tấn ếch thịt. Ngoài ra, anh Công còn tự nhân ếch giống để nuôi và bán gần 20 vạn ếch giống/năm cho các hộ trong và ngoài tỉnh mua về nuôi, cá rô anh cũng mua trứng về ấp nở con để nuôi. Sự siêng năng, cần cù, chịu khó của anh Công đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ngày một phát triển đi lên. Anh Công cho biết hiệu quả con ếch, cá so với cấy lúa gấp 8 - 10 lần nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường, thời tiết, giá cả. Năm nay giá cá rô, ếch tương đối ổn định, thu nhập cũng khá.
Anh Công tất bật từ sáng sớm đến tối mịt bởi anh đảm nhiệm tất cả công việc tại khu nuôi thủy sản của mình. Chỉ những ngày xuất cá, ếch anh mới thuê thêm 3 - 4 người làm cùng. Để thành công như hôm nay anh cũng đã phải trải qua thất bại, vì thế anh luôn nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch, cá cho những người đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm và mua ếch giống về nuôi. Xã Đông Cường là xã có diện tích chua trũng nhiều, đặc biệt là ở cánh đồng Đầm Cửa và Láng của thôn Tào Xá với trên 25 ha. Để những diện tích này không thành ruộng bỏ hoang, xã đã quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy sản. Anh Nguyễn Thế Công cùng với trên 20 hộ đã ra vùng này phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản. Các mô hình không chỉ “hồi sinh” vùng đất chua trũng, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ làm giàu còn góp phần sớm xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Anh Nguyễn Thế Công mấy năm nay đều là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đang được Hội Nông dân xã chọn nhân rộng để các hội viên học, làm theo.
Thành công của mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá rô của gia đình anh Nguyễn Thế Công thực sự đã mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập kinh tế cho người chăn nuôi ở vùng quê này./.
Chi cục Thống kê huyện Đông Hưng